Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

(NTO) Ngày 1-6, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

 
Đồng chí Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
 
Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc.
 

Trong giai đoạn 2005-2015, tỉnh ta đã nghiêm túc triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác thông tin và chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được nâng cao, năng suất vật nuôi, cây trồng đạt hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã triển khai 99 nhiệm vụ KH-CN; trong đó có 8 nhiệm vụ cấp nhà nước, 1 dự án phi chính phủ và 90 nhiệm vụ cấp tỉnh. Tổng kinh phí phân bổ cho khoa học công nghệ của tỉnh hơn 137 tỷ đồng. Đến năm 2020, tỉnh đặt ra nhiều chỉ tiêu tập trung vào việc phát triển khoa học và công nghệ đạt trình độ trung bình khá so với cả nước, tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phấn đấu hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp cho yếu tố năng suất tổng hợp đạt khoảng 25% trong tăng trưởng kinh tế; có ít nhất 100 doanh nghiệp trong tỉnh được hỗ trợ về KH&CN; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 12-15%/năm…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, việc thực hiện các chính sách phát triển về KH&CN đã được tỉnh triển khai kịp thời, đầy đủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, Ninh Thuận còn gặp nhiều khó khăn, do vậy việc đầu tư nguồn lực về lĩnh vực KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tế. Về nhiệm vụ phát triển KH&CN trong thời gian tới, đồng chí khẳng định tỉnh sẽ tập trung chú trọng đầu tư về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn về ứng phó hạn hán; tiếp tục phát huy những lợi thế các sản phẩm đặc thù của địa phương như giống thủy sản, giống cây trồng...Ninh Thuận rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đối với các dự án về KH&CN tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Bộ Lĩnh chia sẻ những khó khăn của tỉnh trong phát triển KH&CN, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu còn rất thiếu và yếu; ngân sách bố trí cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế... Đồng chí đề nghị tỉnh cần tập trung nâng cao nhận thức về phát triển KH&CN gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành liên quan để thực hiện các dự án về khoa học và công nghệ. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ tổng hợp phản ánh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.