Ảnh minh họa.
Bộ NN&PTNT là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản... Theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư (mới), Bộ NN&PTNT quản lý 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã hoàn tất việc rà soát toàn bộ các văn bản liên quan (69 văn bản).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT), công tác thống kê, rà soát đã xong từ lâu nhưng việc làm chậm tiến độ chuyển Nghị định sang thẩm định tại Bộ Tư pháp là do nhận thức phân biệt giữa “điều kiện kinh doanh” và “quy chuẩn kỹ thuật”.
Sau cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ (ngày 14/5) về vấn đề rà soát và dự thảo nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PT Cao Đức Phát đã triệu tập gấp cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị liên quan đến việc dự thảo nghị định.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để phản biện các ý kiến đưa ra trong dự thảo và chất vấn các lãnh đạo đơn vị.
Sau đó, Bộ NN&PTNT đã thống nhất quan điểm "điều kiện kinh doanh là những điều kiện ban đầu cho cơ sở kinh doanh. Chất lượng sản phẩm đến đâu sẽ do doanh nghiệp quyết định nhưng các điều kiện được quy định trong nghị định này bảo đảm cơ bản việc sản phẩm làm ra không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường sống và an ninh quốc phòng".
Không chuyển điều kiện kinh doanh một cách “cơ học”
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT Nguyễn Kim Anh nhận định khi rà soát các văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với lĩnh vực thuộc Bộ quản lý, có những điều kiện kinh doanh quy định chung chung (như: Nhà xưởng phải phù hợp, trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu…) nhưng nếu không quy định cụ thể hơn nữa thì Bộ sẽ kiên quyết bãi bỏ.
Bên cạnh đó, có những điều kiện đầu tư kinh doanh (như kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản thuộc danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) đến thời điểm này không có quy định cụ thể hơn nên Bộ NN&PTNT cũng trình Chính phủ không quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề này.
Quan điểm của Bộ NN&PTNT đưa ra về việc nâng cấp quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phải thực hiện một cách cơ học mà là xem xét lại toàn bộ tính phù hợp dựa trên cơ sở thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như: Tính khả thi, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
“Việc đưa các quy định lên thành nghị định được cân nhắc kỹ lưỡng vì việc này giống như khâu tiền kiểm, cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, tránh việc lạm dụng thông tư nhưng cũng không dồn áp lực kỹ thuật lên các nghị định của Chính phủ”, bà Kim Anh nói.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết sau khi đưa các điều kiện kinh doanh cần thiết vào nghị định về điều kiện kinh doanh của ngành nông nghiệp, thì các thông tư chỉ còn lại khoảng 50% yêu cầu chi tiết trước đây mà thôi.
“Nhiều điều kiện cụ thể về diện tích nhà xưởng, trình độ chuyên môn của người làm công tác về giống... đã bị loại bỏ. Điều này giúp người chăn nuôi chủ động hơn với trang trại và doanh nghiệp của mình. Tuy vậy, các quy chuẩn chất lượng đã đưa vào dự thảo nghị định trình Chính phủ đối với các doanh nghiệp, trang trại có trên 300 lợn nái thì vẫn phải bảo đảm các quy định về kiểm soát an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường...”, ông Dương cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong kết quả rà soát mới nhất, Bộ NN&PTNT đã chủ động đề xuất loại bỏ hẳn các điều kiện kinh doanh thuộc 3 ngành nghề: Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; kinh doanh củi và than hồng; kinh doanh ngư lưới, dụng cụ thủy sản.
Như vậy, hiện nay chỉ còn 32 ngành, nghề kinh doanh nằm trong diện quy định điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật của Bộ NN&PTNT thay vì 35 ngành nghề như trước đây.
“Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh của toàn bộ 32 ngành, nghề này sẽ đúng hạn vào 30/5 tới. Nghị định duy nhất này được xây dựng theo hướng minh bạch, khả thi, giảm tối đa các thủ tục hành chính. Trong nghị định này sẽ không đưa các điều kiện, tiêu chuẩn và quy chuẩn vào”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn chinhphu.vn