Tại vùng “tâm hạn” huyện Bác Ái, những cơn mưa đầu mùa đã liên tục xuất hiện vào nhiều ngày, lượng mưa tuy không nhiều, nhưng cơ bản vẫn tích được ít lượng nước tại một số ao, hồ vùng trũng. Đồng thời, việc mưa kéo dài liên tục trong nhiều ngày đã làm ẩm đất của một số vùng sản xuất đang tạm ngưng, tạo điều kiện cho bà con những khu vực này “khởi động” lại vụ hè – thu. Anh Pi Năng Nghéo, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến, cho biết: Mưa nhiều ngày nay rồi, bà con vui lắm, gia đình mình đang tranh thủ làm đất để trồng 6 sào đậu xanh, nếu mưa tiếp gia đình sẽ trồng thêm bắp nữa.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Cúc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bác Ái, cho biết: Theo kế hoạch, vụ hè – thu năm nay, địa phương sẽ tạm ngưng xuống giống trên diện rộng, chỉ một số ít xã chủ động lượng nước được phép xuống giống, nhưng diện tích cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, những ngày qua, mưa liên tục xuất hiện không chỉ giảm áp lực cháy rừng tại những vùng trọng điểm, một số khu vực tích lũy được ít lượng nước như: Phước Tân, Phước Tiến…, huyện cũng đã cho phép nâng diện tích sản xuất vụ hè – thu lên, nhưng chỉ chủ yếu vẫn là cây trồng chống hạn, ngắn ngày như đậu xanh và bắp. Tính đến nay, toàn huyện Bác Ái, bà con đã xuống giống được 275 ha; trong đó, lúa 105 ha, bắp 100 ha, mỳ 60 ha và đậu xanh 10 ha.
Sau gần một năm “chống chọi” với cái hạn khắc nghiệt, nhiều vùng ở Ninh Sơn cũng đã giảm được áp lực rất nhiều khi mưa “vàng” đầu mùa liên tục xuất hiện. Lượng mưa tuy không lớn, nhưng đã xuất hiện đều ở hầu hết tại khu vực 8 xã, thị trấn, góp phần “giải nhiệt” cho nhiều vùng sản xuất. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là tại một số khu vực “tâm hạn” nông dân đã có dấu hiệu xuống giống ồ ạt trước một vài cơn mưa giao mùa, trong khi điểm hạn dự báo sẽ vẫn còn kéo dài vài tháng nữa.
Tại xã Quảng Sơn, địa phương có gần 3.290 ha đất sản xuất nông nghiệp, với hai loại cây trồng chủ lực là mía và mì. Diện tích đất sản xuất nằm trong vùng chủ động nước chỉ khoảng 25%, nên trong đợt nắng hạn vừa qua toàn xã đã có hơn 660 ha mía bị thiệt hại hoàn toàn, cây mỳ cũng giảm năng suất đáng kể. Những cơn mưa đầu mùa đã giúp cho nhiều nông dân ở đây cứu được diện tích mía còn lại. Hiện nay, bà con đang tích cực cày ải và bón phân cho cây mía. Riêng với cây mỳ, nông dân đã hoàn tất thu hoạch vào cuối tháng 3 và đang tiến hành cày ải, lên luống chỉ chờ mưa là xuống giống.
Mặc dù mưa đã xuất hiện nhiều ngày qua, nhưng theo ông Nguyễn Sỹ Thoại, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận, lượng mưa trên chỉ xấp xỉ 20mm, nên nước chỉ thấm qua mặt đất chưa tới 20cm. Thế nhưng, do lịch xuống giống cây mỳ đã trễ vụ nên nông dân xã Quảng Sơn đã tranh thủ có mưa xuống giống cây mỳ. Qua tìm hiểu, nhiều nông dân cho biết, xuống giống mỳ ở thời điểm này rất bấp bênh, nhưng họ vẫn làm vì biết đâu trời sẽ tiếp tục mưa. Rõ ràng, việc nóng vội xuống giống dựa vào kinh nghiệm luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ninh Sơn, cho biết: Theo kế hoạch, vụ hè – thu năm nay địa phương sẽ xuống giống gần 11.000 ha cây trồng các loại. Theo đó, lịch thời vụ xuống giống bắt đầu từ ngày 10-5. Trong đó, lúa 3.160 ha, bắp 1.041 ha, cây mì 2.330 ha, mía 2.573 ha, diện tích còn lại chủ yếu trồng một số cây ngắn ngày khác. Trước khi bắt đầu xuống vụ, ngành Nông nghiệp huyện cũng đã lưu ý chỉ những vùng đất chủ động nước mới xuống giống theo kế hoạch, diện tích còn lại nếu chưa đáp ứng được điều kiện sản xuất do hạn thì ngưng xuống giống. Tuy nhiên, trong 4 ngày qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện mưa với lượng thấp, chỉ đạt gần 28mm, lượng mưa này chỉ đủ làm giảm nền nhiệt, nhưng nông dân lại tập trung xuống giống ồ ạt. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thông báo đến các xã khuyến cáo bà con không nên nóng vội, tự ý xuống giống để tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Không chỉ khu vực miền núi, những ngày qua, mưa cũng đã xuất hiện tại một số khu vực của huyện Thuận Bắc và Tp.Phan Rang – Tháp Chàm. Riêng địa bàn huyện Ninh Phước, vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, lượng mưa trung bình trong những ngày qua đạt khoảng 15mm. Theo ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện, cơn mưa chiều 24-5 đã làm tăng độ ẩm của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho một số diện tích trồng cỏ và bắp ở một số nơi như: Phước Hữu, Phước Vinh… xanh trở lại sau thời gian nắng hạn. Tuy nhiên, việc mưa xuất hiện cũng làm thiệt hại một số diện tích nho, táo của các hộ dân thuộc các xã: Phước Hậu, Phước Thuận... đang thời kỳ ra bông và một số đang thu hoạch bị rụng trái, nứt và nhiễm sâu bệnh. Anh Phụng Tạo (thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, Ninh Phước), cho biết: Gia đình có 1,2 sào nho đang trong thời kỳ trổ bông, sau cơn mưa đã xảy ra hiện tượng đọng nước, khó kết trái, năng suất giảm khoảng 30%. Hiện nay, huyện cũng đã cử cán bộ khuyến nông xuống địa bàn theo dõi để có biện pháp giúp nông dân ứng phó trước diễn biến của thời tiết.
Trước thời điểm hạn hán đang đi vào đỉnh điểm, những cơn mưa “vàng” phủ rộng tại nhiều địa phương đã làm cho người dân “mát lòng”, nhất là những vùng thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, tổng lượng mưa trong những ngày qua không đáng kể, chỉ bổ sung thêm được gần 1 triệu m3 nước cho tất cả các hồ chứa, nên không thể tổ chức sản xuất được. Để tránh tình trạng người dân ồ ạt xuống giống không theo kế hoạch, đặc biệt là tại khu vực huyện Bác Ái thường có tình trạng, sau khi thấy mưa nhiều người dân tự ý xuống giống, ngành đề nghị chính quyền các địa phương cần chủ động tuyên truyền để người dân nắm bắt, tuân theo kế hoạch sản xuất và ứng phó với hạn từ trước, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra.
Nhóm PV