(NTO) Những năm qua, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều ngành sản xuất đã ra đời; nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển mở rộng, đã và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng tạo nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được đáng khích lệ, nền kinh tế cũng đã bộc lộ rõ những yếu tố chưa thực sự bền vững. Đó là, tăng trưởng kinh tế mới chỉ dựa vào khai thác tài nguyên ở cường độ cao; công nghệ còn lạc hậu, chậm đổi mới nên việc tiêu hao nguyên liệu, năng lượng trong các hoạt động sản xuất còn rất lớn, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và tiết kiệm, môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng. Thực trạng này cho thấy, giữa sản xuất và tiêu thụ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức và sự quan tâm chưa đúng mức của xã hội đối với vấn đề này. Chính vì vậy việc thúc đẩy một nền “kinh tế xanh”, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững được xem là một chiến lược cần thiết để hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống con người...
Công ty TNHH MTV Mỹ Viên (Phước Ninh, Thuận Nam) sản xuất gạch không nung thân thiện với môi trường. Ảnh: Văn Miên
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch đạt 60% đến 70%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; giảm đến khoảng 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chợ dân sinh...
Để thực hiện đạt các mục tiêu nói trên, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Theo đó, áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động phân phối các sản phẩm, dịch vụ; giảm sử dụng các bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các bao bì khó phân hủy bằng các loại bao bì thân thiện môi trường. Thúc đẩy liên kết bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững. Bên cạnh đó, tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng; tăng cường đào tạo và phổ biến các kiến thức, chính sách, pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ, doanh nghiệp và người lao động. Nâng cao vai trò hỗ trợ của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng…
Việc phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững rất cần có sự chung tay của nhà quản lý, cộng đồng và đặc biệt là các doanh nghiệp, một trong những nhân tố chính góp phần vào quá trình “Tăng trưởng xanh”…
TD