Trong sản xuất nông nghiệp, giống có vai trò quan trọng, quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Ở tỉnh ta, từ năm 1975 đến nay, nông dân quen sử dụng các giống lúa chủ đạo: TH6, TH41, ML48, ML202. Đặc điểm của những giống lúa này là thích hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng ở khu vực Nam Trung Bộ, hạt gạo tròn, cơm khô, hàm lượng tinh bột cao, dùng chế biến bánh tráng, bánh phở, bánh canh, bánh xèo… rất ngon. Tuy nhiên, do canh tác lâu năm, nên gần đây, giống lúa hạt tròn có dấu hiệu bị thoái hóa, biểu hiện rõ nhất là lẫn tạp cỏ dại (lúa ma), thân yếu, dễ đổ ngã, năng suất sụt giảm. Khắc phục tình trạng cơ cấu giống lúa nghèo nàn, năm 2006, Sở NN&PTNT đã đưa giống hạt dài, cơm dẻo, xuất xứ từ miền Tây Nam Bộ về trồng thử nghiệm ở huyện Ninh Phước, cho năng suất cao, nhưng vẫn không nhân rộng được. Nguyên do là đa phần người dân chưa quen ăn cơm dẻo, bột gạo hạt dài làm bánh hay bị dính, nên khó tiêu thụ.
Nghiên cứu, lai tạo giống lúa Chế biến 3988.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân khu vực Nam Trung Bộ, nhóm tác giả Vũ Xuân Long, Nguyễn Minh Nhật, Đàng Năng Bửu, Dương Thị Trâm (Công ty Giống cây trồng Nha Hố) dày công nghiên cứu lai tạo giống lúa Chế biến có chất gạo tương đồng giống TH6, nhưng khắc phục được nhược điểm của giống này là khả năng chống chịu sâu bệnh kém, năng suất thấp. TS. Vũ Xuân Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, cho biết: Quá trình chọn tạo giống Chế biến bắt đầu vào năm 2008, từ vật liệu ban đầu là giống TH6, đến vụ đông-xuân 2014-2015 được Bộ NN&PTNT công nhận đưa sản xuất thử trên đồng đất ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại tỉnh ta, liên tiếp nhiều vụ liền, giống lúa Chế biến được trồng thử nghiệm kết quả rất khả quan. Cụ thể, vụ đông-xuân 2015-2016, công ty sản xuất trình diễn ở thôn Nha Hố (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) trên diện tích 5ha, mặc dù trong điều kiện thời tiết hạn hán, nhưng giống lúa Chế biến vẫn phát triển tốt, kháng được sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao, bình quân 9,47 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 2 tấn. Trước đó, sản xuất trình diễn ở vụ hè-thu 2015 cũng có kết quả tương tự, điều này cho thấy giống lúa Chế biến phù hợp với đồng đất Ninh Thuận, có nhiều triển vọng thay thế những giống lúa đang thoái hóa dần như: TH6, ML48…
Tại hội nghị đầu bờ giống lúa Chế biến do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, sau khi tham quan cánh đồng sản xuất thử nghiệm, những người làm chuyên môn đặt hẳn niềm tin vào giống lúa này. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Qua theo dõi quá trình sản xuất thử nghiệm giống Chế biến, chúng tôi khuyến cáo nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất được 3 vụ/năm. Về mặt kỹ thuật, cần trục bùn nhiều lần trước khi gieo sạ vì gốc rạ cứng, nông dân có thể linh động quy đổi các loại phân để bón cho lúa. Ngành Nông nghiệp đang đối mặt với những khó khăn vì hạn hán, do đó để sản xuất bền vững, hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường sử dụng những giống cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết ở khu vực Nam Trung Bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại. Chúng tôi đánh giá cao Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã chủ động đầu tư kinh phí nghiên cứu giống lúa mới cho nông dân đưa vào sản xuất, có hiệu quả cao.
Không riêng gì các nhà khoa học, những người trực tiếp sản xuất cũng đánh giá giống lúa Chế biến có nhiều triển vọng. Anh Quảng Đại Luyến, Giám đốc HTX DV NN Như Bình (xã Phước Thái, Ninh Phước), cho biết: “Giống lúa Chế biến đáp ứng được yêu cầu sản xuất là dễ làm, không kén đất, năng suất cao. HTX đang chờ Bộ NN&PTNN công nhận giống mới để vận động thành viên dồn điền sản xuất trên quy mô lớn trong thời gian tới, nhằm tạo ra lượng hàng hóa lớn”. Điều nông dân băn khoăn nhất là đầu ra của sản phẩm. Đề cập đến vấn đề này, TS. Vũ Xuân Long khẳng định: Chúng tôi đang xây dựng chương trình liên kết với các HTX nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa Chế biến khép kín từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Công ty có trách nhiệm cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, đảm bảo người sản xuất có lãi. Cơ sở để thực hiện chương trình liên kết là công ty đã thỏa thuận được với một số doanh nghiệp thu mua lúa Chế biến với khối lượng lớn, lên đến 20.000 tấn/tháng. Sắp tới, khi giống lúa Chế biến được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, công ty không những liên kết với nông dân trong tỉnh, mà còn mở rộng liên kết với nông dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận… sản xuất với quy mô lớn mới đáp ứng được yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp.
Anh Tùng