Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành các quy định về ATGT còn xảy ra phổ biến mặc dù ngành chức năng và các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, xử phạt đối tượng vi phạm…nhưng xem ra cũng chưa thực sự tạo nên những chuyển biến mang tính “đột phá”. Đặc biệt số vụ TNGT nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, theo thống kê trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ TNGT đường bộ, trong đó có đến 6 vụ nghiêm trọng, làm chết 6 người, bị thương 6 người.
Các phương tiện giao thông đưa du khách đến tham quan vịnh Vĩnh Hy trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Sơn Ngọc
So với tháng trước tăng 6 vụ, tăng 5 người chết và 6 người bị thương. Nếu tính chung từ đầu năm 2016 đến nay (tính cả đường sắt) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ TNGT, làm chết 23 người, bị thương 9 người. Tuy so cùng kỳ năm trước giảm 3 vụ; giảm 5 người chết... nhưng nếu như mọi người tham gia giao thông thực hiện nghiêm túc các quy định về ATGT thì sẽ không xảy ra những cảnh đau lòng cho những gia đình có người chết, bị thương như đã nêu trên cũng như hệ lụy lâu dài cho xã hội. Về nguyên nhân chủ yếu thường chiếm tỷ lệ cao đối với các vụ TNGT nghiêm trọng có thể thống kê được, đó là người tham gia giao thông đi không đúng phần đường; thiếu chú ý quan sát; bộ hành băng qua đường; uống rượu bia “quá chén” không làm chủ tốc độ...
Theo dự báo, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, lượng du khách đến tỉnh ta thăm quan, nghỉ dưỡng có nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn năm trước, đó là chưa kể đến người dân các địa phương trong tỉnh cũng tập trung về các điểm du lịch, khu vui chơi, nhất là trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm... Và như vậy cũng có nghĩa là mối lo về TTATGT cũng tăng lên theo “cấp số nhân”. Để hạn chế đến mức thấp nhất trên cả 3 tiêu chí, bảo đảm không để xảy ra tình trạng mất ATGT, tạo nên hình ảnh thiếu an toàn đối với du khách và người dân trong tỉnh, yêu cầu đặt ra là các ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 8-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn 1416/UBND-NC ngày 15-4-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, theo đó yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến pháp luật về TTATGT; cảnh báo các nguy cơ xảy ra TNGT tại các đoạn đường thường xảy ra tai nạn, đưa ra các biện pháp phòng tránh tai nạn, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông cần chấp hành tốt công tác bảo đảm TTATGT. Tập trung kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như: chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, xe chở quá tải trọng quy định, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; kiên quyết đình chỉ ngay phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định hoặc người không đủ điều kiện quy định điều khiển phương tiện....
Về cơ bản, lâu dài giải pháp quan trọng vẫn là: “Để thực hiện được mục tiêu tiếp tục kéo giảm từ 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương đòi hỏi quyết tâm chính trị và thành chương trình hành động quyết liệt hơn nữa. Cần phải tìm ra nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây TNGT như về hạ tầng giao thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân tham gia còn hạn chế, tìm nguyên nhân bất cập, hạn chế để từng bước khắc phục và có giải pháp hữu hiệu, từng bước vững chắc kéo giảm tỷ lệ TNGT…” như Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nói.
Tin rằng, bằng những nỗ lực của các ngành, địa phương quyết liệt thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những ngày lễ sắp tới nói riêng, từ nay đến cuối năm nói chung TNGT không những sẽ được kéo giảm mà còn tạo dựng hình ảnh an toàn cho du khách khi đến Ninh Thuận.
T.D