Phát huy vai trò cộng đồng
Có mặt tại khu rừng ở phía Nam núi Tà Năng (xã Phước Chính, Bác Ái), chúng tôi ghi nhận nhiều mảng rừng có lớp thực bì khô dày với rất nhiều lá khô phủ đầy gốc. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ, thì lớp thực bì khô dày sẽ bén cháy và lan rộng rất nhanh. Trong khi đó, sát bìa rừng và xen trong khu vực rừng có không ít nương rẫy và chòi ở của người dân nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để bảo vệ, phòng cháy đối với các tiểu khu rừng, Ban Quản lý rừng đầu nguồn Sông Sắt đã giao cho mỗi nhân viên chịu trách nhiệm bảo vệ một tiểu khu rừng. Bên cạnh đó, các tổ cộng đồng tại mỗi thôn đều cắt cử người thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại các chòi canh lửa. Khi phát hiện có cháy, tổ cộng đồng có 17-20 người sẽ nhanh chóng tiếp cận vị trí cháy để dập lửa. Trường hợp cháy lan, địa phương sẽ huy động thêm các tổ cộng đồng gần nhất cùng phối hợp tham gia chữa cháy.
Diễn tập chữa cháy rừng mùa khô 2015 - 2016. Ảnh: Nguyễn Sơn
Ông Trương Xuân Hiệp, Trạm bảo vệ rừng Phước Chính, cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã tiến hành khoanh vùng những khu vực nguy cơ xảy ra cháy cao, bố trí lực lượng túc trực thường xuyên. Do gần rừng có dân sinh sống, làm rẫy nên phối hợp với địa phương thành lập các tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Khi tham gia bảo vệ rừng, người dân được trả tiền công, được hướng dẫn, tuyên truyền về phương pháp phòng, chống cháy rừng. Hiểu được lợi ích của rừng với đời sống, người dân đã phát huy trách nhiệm, nên khi đi làm rẫy rất thận trọng, không để phát sinh ngọn lửa và luôn trong tình trạng sẵn sàng dập lửa khi có cháy. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, không phát sinh vụ cháy nào lớn gây thiệt hại về rừng.
Tăng cường các biện pháp cấp bách
Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện quyết liệt các giải pháp; tăng cường công tác kiểm tra phát hiện các trường hợp vi phạm; xử lý kiên quyết làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra cháy trên địa bàn; đồng thời, yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy rừng. Các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng. Mặt khác, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời thông tin cảnh báo và dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời kỳ cao điểm.
Ông Thiên Sanh Quận, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Lực lượng Kiểm lâm được cắt cử phối hợp với chủ rừng thường xuyên tuần tra ở những khu vực nguy cơ xảy ra cháy cao. Việc thu thập số liệu khí tượng, trực kiểm tra phòng cháy, chủ động phương tiện chữa cháy, làm mới chòi canh lửa, gắn biển báo cấm lửa, làm đường ranh cản lửa đang được chú trọng thực hiện. Các địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; một số khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, lực lượng kiểm lâm chốt tại cửa rừng để kiểm soát người và phương tiện ra vào rừng. Tùy theo đặc thù địa hình cũng như thực trạng và nhân lực, các địa phương có biện pháp phù hợp, nhất là phát huy vai trò của đơn vị chủ rừng, các tổ cộng đồng trong việc phòng và chữa cháy rừng.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 2 tháng qua (từ ngày 15-2 đến nay), toàn tỉnh xảy ra 29 vụ cháy rừng (trong tổng số 53 điểm báo cháy) chủ yếu cháy lướt thảm thực bì khu rừng khộp thuộc huyện Bác Ái và Ninh Sơn, làm thiệt hại gần 20ha rừng. Các địa phương đã huy động 482 người tham gia chữa cháy. Hy vọng rằng với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, sự tham gia tích cực của người dân, số vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm nay sẽ được kìm chế, giảm mức độ thiệt hại do cháy rừng.
Anh Tuấn