Nỗ lực của địa phương
Trước đây, khi đến Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các đối tượng lang thang tâm thần, xin ăn thường tập trung tại các điểm công cộng, nơi đông người như chợ, hàng quán ăn uống, nhất là các khu du lịch, công viên, các chốt đèn giao thông… để xin tiền, chèo kéo du khách. Nay tình trạng này đã giảm hẳn. Để có được kết quả này, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp thu gom, xử lý, quản lý các đối tượng. Ông Nguyễn Thanh Vinh, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: “Trước đây, việc ra quân thu gom các đối tượng lang thang tâm thần, xin ăn chỉ được thực hiện vào thời điểm trước các ngày lễ, sự kiện lớn. Nắm bắt “điểm yếu” này, trước các ngày lễ, các đối tượng tạm thời lẩn trốn một vài ngày, sau đó tiếp tục trở lại “hành nghề”, nên việc thu gom không hiệu quả. Cuối năm 2015, UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường thành lập Tổ công tác rà soát, tập trung người lang thang tâm thần, xin ăn; đồng thời, lên kế hoạch ra quân thu gom các đối tượng hàng tuần, qua đó việc phát hiện, thu gom các đối tượng đạt hiệu quả cao hơn”. Từ cuối năm 2015 đến nay, thành phố đã thu gom và đưa 24 đối tượng tâm thần lang thang, 2 đối tượng lang thang xin ăn về các cơ sở bảo trợ xã hội; vận động 22 gia đình đối tượng ký cam kết không để người thân đi xin ăn.
Cần có quyết tâm cao
Tình trạng thang thang, xin ăn đã giảm, tuy nhiên để giải quyết dứt điểm vẫn còn nhiều khó khăn. Theo quy định, sau khi được thu gom, các đối tượng được kiểm tra sức khỏe, phân loại. Những đối tượng tâm thần nặng, người già, trẻ nhỏ không nơi nương tựa được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng. Các trường hợp bệnh tâm thần nhẹ, người ăn xin có thân nhân, gia đình, UBND các phường, xã vận động, yêu cầu gia đình ký cam kết quản lý, không để các đối tượng tiếp tục lang thang xin ăn. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng này xem việc xin ăn như một nghề để kiếm sống, nên mặc dù gia đình của các đối tượng đã ký cam kết, nhưng vẫn tái phạm. Không ít trường hợp xin ăn biến tướng, khi lực lượng chức năng đến thu gom thì giả vờ là người dân bình thường, người bán vé số, bán hàng rong; còn có một số đối tượng xin ăn có tổ chức, khi gặp lực lượng chức năng đến thu gom thì lẩn trốn, thậm chí có cả hành vi chống đối… nên việc thu gom hết sức khó khăn.
Công tác tuyền truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay giải quyết tình trạng tâm thần lang thang, xin ăn cũng chưa hiệu quả. Thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin, UBND các xã, phường hàng ngày phát sóng trên hệ thống truyền thanh của thành phố, của xã, phường tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng phát hiện, tham gia tập trung các đối tượng. Đặc biệt ra quy định “thưởng nóng” 200.000 đồng cho người phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng, UBND các xã, phường có đối tượng ăn xin, thang thang tâm thần, nhưng qua 5 tháng thực hiện, số cuộc gọi mà chính quyền địa phương nhận được từ phía người dân là rất ít. Nguyên nhân là do người dân còn có tâm lý e ngại. Ngoài ra, khi được hỏi, nhiều người không hề biết quy định này; một số xã, phường đến nay vẫn chưa thiết lập, thông báo rộng rãi đường dây nóng nên khi gặp đối tượng lang thang, xin ăn, người dân không biết thông báo đến số điện thoại, địa chỉ nào.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng thang thang tâm thần, xin ăn, vừa qua, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch đột phá, theo đó, chỉ đạo UBND các xã, phường củng cố, nâng cao năng lực các Tổ công tác; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân; đề ra các giải pháp thu gom, quản lý hiệu quả các đối tượng. Đối với UBND thành phố hiện cũng đã thành lập Tổ công tác, đường dây nóng của thành phố. Ngoài các đợt ra quân thu gom của các xã, phường theo hàng tuần; hàng tháng thành phố cũng tổ chức đợt ra quân thu gom các đối tượng với sự tham gia đồng loạt của 16 xã, phường. Đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết thêm: Ngoài thu gom, quản lý tốt các đối tượng, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh các chính sách giảm nghèo như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những đối tượng trong độ tuổi lao động, cũng như các chính sách bảo trợ xã hội cho những đối tượng người khuyết tật, người không nơi nương tựa, nâng cao, cải thiện đời sống cho người dân nhằm giải quyết vấn đề lang thang, xin ăn từ gốc. Bên cạnh đó, sẽ xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tổ chức, xúi giục người khác đi xin ăn để trục lợi.
Thiết nghĩ, những giải pháp đề ra là rất hợp lý, tuy nhiên để thực hiện hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm, trách nhiệm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, tránh làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, như vậy mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng thang thang, ăn xin, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hình ảnh đẹp hơn cho thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Uyên Thu