Tiêu chuẩn đại biểu và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

(NTO) Ngày 22/5/2016 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Ông Phạm Văn A, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh về tiêu chuẩn đại biểu và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021...

Ông Phạm Văn A
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh

PV: Ông cho biết, hiện nay cử tri quan tâm điều gì về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021?

Ông Phạm Văn A: Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội; tiêu chuẩn đại biểu HĐND được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hiện nay, hội nghị hiệp thương lần thứ 3 trong phạm vi toàn quốc cũng như ở địa phương đã hoàn thành. Qua các hội nghị, cử tri có nhiều nguyện vọng nhưng phổ biến nhất là cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội; đại biểu HĐND là những người đại diện cho cử tri nói lên những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và làm được những điều mà cử tri mong muốn (hay nói cách khác, cử tri mong muốn đại biểu phải là những người “nói được, làm được; nói đúng, làm đúng”.

Điều đáng lưu ý, Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có ghi “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm”...Một trong những nội dung mà cử tri đặc biệt quan tâm phù hợp với nội dung khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và khoản 2 Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương đó là “bản lĩnh” của đại biểu. Sự kỳ vọng của cử tri về bản lĩnh của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước hết phải là những người trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình biển đông, cử tri đòi hỏi các đại biểu phải là người dũng cảm, trung thành, có ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Cử tri cũng đòi hỏi đại biểu phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt; thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính”; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, hách dịch, cửa quyền và phải có trình độ chuyên môn có năng lực , kinh nghiệm và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Cử tri đặc biệt quan tâm đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. Những mong muốn của cử tri đối với đại biểu là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và đồng thời cũng là nguyện vọng, khát vọng chính đáng của người dân...

PV: Đối với cử tri, theo ông cần quan tâm những nội dung gì về trách nhiệm và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử lần này?

Ông Phạm Văn A: Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tiếp tục thực hiện Hiến pháp năm 2013; cụ thể hóa để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII vào cuộc sống. Cử tri cần phải nhận thức rõ nội dung “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”...và “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND” theo tinh thần nội dung khoản 1 và khoản 2 Điều 2; Điều 6 Hiến pháp năm 2013 để thực hiện đúng quyền làm chủ của mình trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cử tri phải hiểu rõ nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín theo Điều 1 cũng như nguyên tắc mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng mỗi cấp; cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay theo Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Cần phải tránh, không để vi phạm về việc nhờ người khác bầu cử thay. Điều đặc biệt quan tâm là cử tri cũng như người ứng cử đại biểu Quốc hội; đại biểu HĐND nên thực hiện tốt, có chất lượng nội dung điểm c khoản 2 Điều 66 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; đó là “từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND”. Chương trình hành động phải được thực hiện bằng văn bản như một sự cam kết của đại biểu với cử tri và Nhân dân. Văn bản này phải được lưu giữ để làm cơ sở cho sự giám sát của các cấp có thẩm quyền cũng như cử tri, Nhân dân đối với hoạt động của đại biểu và điều đó cũng chính là nguyện vọng, khát vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân về “bản lĩnh” của đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021...

PV: Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi trên.