Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016 - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Ngày 6-1-1946, cách đây 70 năm, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực sự làm chủ đất nước, được thực hiện quyền làm chủ, quyền dân chủ thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có đức, có tài vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam – đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 
Ảnh minh họa.

Trước đó, chiều ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” đăng trên Báo Cứu quốc:

“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước…”. 

Về ý nghĩa cuộc bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác việc nước”. Và “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri…”. Từ đó, Bác khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”.

Từ đó đến nay, đất nước ta đã 13 lần tổ chức bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để qua đó người dân thể hiện quyền lực cao nhất của mình thông qua hình thức dân chủ đại diện, qua đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình được tham gia xây dựng Nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Và năm nay, năm 2016, cả nước lại hồ hởi chào đón ngày hội của quốc gia-dân tộc; một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước – Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 – đạo luật được sửa đổi, ban hành mới ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 ra đời. Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mà cuộc bầu cử còn là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần. Đây là cơ hội để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Với ý nghĩa chính trị to lớn, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; lựa chọn những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào cả nước nói chung và cử tri, nhân dân trong tỉnh nói riêng để đề ra những quyết sách, quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, của tỉnh nhà trong chặng đường 5 năm tiếp theo, sẽ góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển, giàu đẹp và văn minh.

Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm vẻ vang của mỗi công dân – là sự kiện chính trị quan trọng và ngày hội lớn của đất nước.