|
Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh |
Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá tình hình ATVSTP trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc: Với các giải pháp như đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý… của các ngành chức năng trong thời gian qua đã giúp ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cải thiện đáng kể; người dân cũng ý thức hơn trong việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP vẫn còn không ít cơ sở vi phạm, chủ yếu là chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận kiến thức ATTP, Giấy khám sức khỏe cho người lao động không đầy đủ, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm... Một số cơ sở kinh doanh các loại thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm có hóa chất độc hại. Chỉ riêng trong quý I-2016, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 2.360 cơ sở, có 1.966 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm 83,3%; 394 cơ sở không đạt, chiếm 16,7%. Trong số đó, có 14 cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính.
Phóng viên: Với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, Tháng hành động vì ATTP năm nay tập trung vào những hoạt động gì?
Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc: Trong tháng hành động, ngành Y tế tập trung một số các hoạt động như: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2016 từ tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ATTP. Đối tượng truyền thông tập trung vào các cơ sở sản xuất, sơ chế/chế biến, kinh doanh rau; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế/chế biến, kinh doanh thịt; chính quyền các cấp, Ban quản lý chợ, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…); người tiêu dùng thực phẩm. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các biện pháp bảo đảm ATTP đối với rau, thịt. Ngoài ra, ngành Y tế phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn gây ra.
Phóng viên: Vậy ngành chức năng có khuyến cáo gì đối với người dân, cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về vấn đề này?
Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc: Rau, thịt là thực phẩm chủ lực, phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi người dân. Sử dụng sản phẩm rau, thịt không an toàn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh cấp tính hoặc mãn tính, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng, đến an sinh xã hội. Chính vì vậy, các cơ sở, người sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, hệ thống phân tích nguy cơ và xét nghiệm kiểm soát tới hạn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, thịt. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm, không lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép… để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Người tiêu dùng không dùng những thực phẩm rau, thịt không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh truyền qua thực phẩm. Đấu tranh với những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rau, thịt.
Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị, ngành chức năng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh rau, thịt không đảm bảo ATTP. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn sản xuất, chế biến bảo quản, tiêu dùng thực phẩm rau thịt an toàn…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Uyên Thu (thực hiện)