Mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng với lòng yêu nghề, 24 năm qua, ông Châu Nở (khu phố 12, phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vẫn nhiệt tình đi tới từng hộ, vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Hiện ông quản lý 83 hộ/353 nhân khẩu, trong đó có 114 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Địa bàn quản lý rộng, người dân thường đi rẫy nên công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, ông tận dụng thời gian buổi trưa và tối tập trung vận động những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề… thực hiện KHHGĐ. Nhờ sự năng nổ và nhiệt tình của ông, nhiều năm qua, khu phố 12 không có trường hợp sinh con thứ 3.
Ông Châu Nở vận động gia đình anh Phan Trung, khu phố 12, phường Văn Hải thực hiện KHHGĐ.
Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Châu Nở cho biết: Trong tiềm thức, nhiều người dân vẫn quan niệm “đàn ông luôn là trụ cột gia đình”, phần lớn mọi việc trong nhà đều do người chồng quyết định, kể cả việc thực hiện KHHGĐ. Do đó, khi đi vận động, tôi thường tác động vào người chồng để họ thông cảm với sự vất vả mang nặng đẻ đau của vợ; giúp họ hiểu được việc sinh ít con sẽ tạo điều kiện để gia đình phát triển kinh tế, chăm sóc con cái tốt hơn. Dần dần người dân nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp.
Hơn 10 năm đảm nhận vai trò Trưởng thôn kiêm CTV DS, anh Nguyễn Long (thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là địa phương có nhiều người đi biển, tư tưởng muốn sinh nhiều con ăn sâu trong từng nếp nghĩ. Là nam giới nên việc tiếp cận vận động với nữ giới rất khó. Các chị em thường e ngại cho rằng KHHGĐ là việc tế nhị. Ban đầu, nói về chuyện chu kỳ kinh nguyệt, đặt vòng..., anh cũng rất ngại và xấu hổ. Trước khó khăn đó, anh thường phối hợp với Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã để tuyên truyền cho chị em về các biện pháp tránh thai. Mặt khác, nhờ uy tín làm trưởng thôn lâu năm nên tiếng nói của anh được nhiều người dân tin tưởng, nghe theo. Với những nỗ lực của bản thân, anh Long góp phần không nhỏ cải thiện chất lượng DS ở địa phương.
Đánh giá về vai trò của cán bộ chuyên trách công tác DS là nam giới, bà Phạm Thị Cẩm Vân, Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho rằng: Toàn tỉnh hiện có 1.250 CTV DS, trong đó có 116 CTV DS là nam. So với nữ giới, chuyên trách DS nam có một số hạn chế trong việc tiếp cận đối tượng nữ, tuy nhiên họ có lợi thế về thời gian nên “toàn tâm toàn ý” với công việc. Việc tiếp cận với đối tượng nam giới cũng dễ dàng hơn. Biết cân bằng giữa nữ và nam, phát huy thế mạnh giữa hai phái này sẽ là một ưu thế để làm tốt công tác DS-KHHGĐ.
Duy Nam