Phan Văn Liên
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Với tư cách là chủ thể của quyền lực Nhà nước-Nhân dân không chỉ tạo lập nên Nhà nước của mình, trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện cho mình thực thi quyền lực, mà còn thông qua các hình thức khác để tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước tác động mạnh mẽ đến quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước. Khoản 1, Điều 28, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
Cá nhân công dân còn tham gia công việc của Nhà nước và xã hội, thông qua các hoạt động đa dạng, nhằm bảo vệ của công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tổ chức đời sống công cộng.
Trong các hoạt động khác nhau của mình, Nhà nước tạo cơ sở pháp lý để thu hút sự tham gia rộng rãi và sự đóng góp tích cực của công dân. Ngay cả việc xét xử của tòa án cũng cần có vai trò của Nhân dân; tiến hành việc xét xử, tòa án có Hội thẩm nhân dân; ngoài hệ thống các tòa án có thể thành lập các tổ chức thích hợp của Nhân dân, để giải quyết hòa giải các vụ vi phạm pháp luật và tranh chấp trong Nhân dân.
Ở những mức độ khác nhau, Nhân dân có thể tác động vào quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã nhiều quy định cụ thể để hiện thực hóa khả năng đó. Nhà nước phát triển công tác thông tin báo chí, xuất bản, thư viện…, đây là các phương tiện để Nhân dân tham gia đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nhà nước tạo cơ sở pháp lý để công dân có thể sử dụng một cách có hiệu quả các quyền, như: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoặc bất cứ cá nhân nào. Chính phủ thực hiện báo cáo trước Nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết. Hiến pháp 2013 cũng quy định trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Các cơ quan nhà nước đều đặt mình dưới sự giám sát của Nhân dân. Khoản 2, Điều 8, Hiến pháp 2013, nêu rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có thể bị bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với tín nhiệm của Nhân dân.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền của con người, tất cả vì hạnh phúc con người, hạnh phúc Nhân dân. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN sử dụng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi Hiến pháp, pháp luật phải trực tiếp ghi nhận các quyền con người, quy định rõ ràng các quyền và tự do của công dân. Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Khi các quyền tự do của công dân bị vi phạm, thì phải có những biện pháp trừng trị những chủ thể vi phạm và khôi phục lại những quyền và tự do đó.
Thực hiện nghiêm túc lại những vấn đề đó cũng là thể hiện tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và luật trong đời sống chính trị-xã hội.
Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình và bảo đảm cho công dân thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước XHCN.
Yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi Hiến pháp, pháp luật phải quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước. Nhà nước và các cơ quan Nhà nước chỉ hoạt động trên cơ sở quy định của Hiến pháp, pháp luật. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện đầy đủ, đúng đắn và kịp thời các chức năng, nhiệm vụ của mình, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và tự do của công dân.
Ngược lại, công dân phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Công dân không làm tròn nghĩa vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân phải bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền XHCN là yêu cầu tất yếu khách quan trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, bảo đảm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, theo định hướng XHCN.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và phát triển với các Nhà nước trên toàn thế giới. Đồng thời, tôn trọng và cam kết thực hiện các công ước, điều ước quốc tế đã tham gia ký kết, phê chuẩn.
Thực hiện tốt chức năng này, cùng các chức năng khác là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã thực sự đề cao, phát huy đầy đủ quyền dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhận thức rõ những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để góp phần xây dựng và hoàn thiện thông qua cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức vào ngày 22-5-2016, là một việc làm hết sức quan trọng và rất cần thiết trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc củng cố và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Cuộc bầu cử là dịp để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thông qua công tác tuyên truyền Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhằm động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử, thực hiện quyền lực của mình để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của Nhân dân trước, trong và sau Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Yêu cầu trong công tác tuyên truyền cuộc bầu cử lần này là “làm cho nhân dân trong tỉnh thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia cuộc bầu cử, làm cho ngày bầu cử thật sự trở thành ngày hội của toàn dân, làm cho cử tri trong tỉnh nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhất là quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử, các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, lựa chọn và bầu ra được những người có đủ tiêu chuẩn tài đức, vừa có tâm, vừa có tầm, xứng đáng bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử để Nhân dân nhận thức sâu sắc về thể thức dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình bầu cử, chủ động đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch, phản động, phê phán và uốn nắn những biểu hiện lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để làm mất dân chủ, gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chống những hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân.
Thực hiện tốt mục đích, yêu cầu nói trên để cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, đó là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, thể hiện sinh động nhất ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.