Không phải ngẫu nhiên mà “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay lại chọn chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, bởi lẽ trên thực tế thực phẩm “bẩn” đã ngày càng hiện diện trong phần lớn các mâm cơm của mọi nhà. Điển hình là thịt heo có chứa chất cấm kích thích tăng trọng, tạo nạc; rau, củ, quả tồn dư thuốc trừ sâu... Trong khi những loại thực phẩm này hầu như thường xuyên được các gia đình sử dụng.
Người tiêu dùng lựa chọn mua rau xanh tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Ngay cả những loại trái cây như chuối, đu đủ, mít…vốn được xem là “truyền thống” vì vừa túi tiền, hạp khẩu vị của mọi giới và tưởng chừng an toàn, thì nay người bán không ngần ngại bơm, tẩm hóa chất để được màu tươi, bắt mắt người tiêu dùng, dể tiêu thụ mà không nghĩ rằng vô tình đã đầu độc chính khách hàng quen thuộc của mình. Có thể nói, chưa bao giờ người tiêu dùng lại lo lắng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm(VSATTP) như lúc này, nhưng dù có lo lắng, thì ngày ngày người dân vẫn phải dung nạp thức ăn vào cơ thể. Khi tiêu dùng các loại thực phẩm không an toàn, người dân đã phải trả giá quá đắt bằng sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của mình do bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, điều cũng đáng nói là có không ít người tiêu dùng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề an toàn thực phẩm khi mua các thực phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày như rau, cá, thịt.... bán lẻ tại các chợ.
Các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có trong các loại rau quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong thịt, cá sẽ tích lũy dần trong cơ thể của con người là tiền đề để phát sinh các loại bệnh tật, trong đó đáng lo nhất là ung thư ... Có chuyên gia còn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm “bẩn” vẫn được sử dụng công khai là do tâm lý “thỏa hiệp” của người dân. Cụ thể là, một số người ăn thức ăn mà không biết có chứa các chất cấm gây nguy hiểm cho sức khoẻ đã đành, ngược lại nhiều người biết thực phẩm bẩn mà vẫn ăn!. Theo số liệu thống kê đáng báo động từ Bộ Y tế, trong số 100/1.000 người bị ung thư thì có đến 70% do ăn uống, 20% do ô nhiễm môi trường và chỉ có 10% là do di truyền mà thôi. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn xuất phát từ nhận thức của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các văn bản quy định của Nhà nước còn nhiều kẽ hở, công tác quản lý chưa tốt; người bán pha trộn chất cấm vào thực phẩm chưa bị xử phạt thích đáng...
Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để bảo đảm thực phẩm có chất lượng và an toàn trên địa bàn tỉnh?. Cân phân mà nói, những năm qua, Nhà nước và các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về phía cơ quan chức năng, sự bất chấp của người sản xuất, kinh doanh cũng như sự thiếu tích cực tham gia của chính người tiêu dùng trong việc bảo đảm sức khỏe cho mình. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho người dân trong tỉnh về ý nghĩa của ATVSTP đối với sức khoẻ con người, đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016 này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết và triệt để hơn trong việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm các quy định về ATVSTP trong sản xuất, vận chuyển, buôn bán, chế biến thực phẩm. Đồng thời, vận động người dân tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng chất cấm, tiêu thụ và vận chuyển thực phẩm không an toàn…Có như vậy mới bảo vệ được sức khoẻ con người cả trước mắt và lâu dài.
T.D