Tính đến cuối năm 2015, huyện Thuận Bắc đã có 44 người tham gia XKLĐ tại các nước Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản theo loại hình XKLĐ và thực tập sinh. Theo ông Lê Văn Lanh, chuyên viên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, toàn bộ số lao động trên đều có điều kiện làm việc ổn định, với mức thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng đối với lao động phổ thông tại Malaysia và 18-20 triệu đồng/người/tháng đối với chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là số tiền khá lớn so với thu nhập của lao động tại địa phương. Nhiều người tham gia XKLĐ sau khi trở về đã tích lũy được một số vốn xây dựng nhà cửa, mua sắm phương tiện và đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Người dân xã Phước Chiến tham dự buổi tư vấn xuất khẩu lao động.
Anh Katơ Tiêu, thôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến, tham gia XKLĐ tại Malaysia đã về địa phương, cho biết: “Mình đi XKLĐ trong thời gian 3 năm, sau khi về nước, đã có vốn để mua sắm phương tiện đi lại và đầu tư chăn nuôi bò, dê, phát triển kinh tế gia đình”. Ngoài anh Tiêu, ở xã Phước Chiến còn có nhiều người khá lên nhờ XKLĐ như anh Chamaléa Tố, Katơ Nguyên, Katơ Thị Nhịn… hoặc như trường hợp anh Chamaléa Ngoại, sau khi hết thời gian hợp đồng lao động, anh đã xin gia hạn thêm để tiếp tục làm việc tại Malaysia để có thêm thu nhập.
Ông Lê Văn Lanh cho biết thêm, huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia XKLĐ. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tích cực hỗ trợ về cách làm hồ sơ, thủ tục vay vốn, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trường hợp XKLĐ. Bên cạnh đó, mở rộng khai thác các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Phấn đấu trong năm 2016, huyện Thuận Bắc có thêm 15 lao động được xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp cùng Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh mở 4 đợt tư vấn tại một số địa phương trong huyện, thu hút hơn 60 lượt người tham gia.
Việc đẩy mạnh XKLĐ ở huyện Thuận Bắc đã mở ra một hướng đi mới cho lao động nông thôn, giúp họ vừa có việc làm ổn định, thu nhập cao, vừa tạo điều kiện trang bị tay nghề, thay đổi nhận thức trong lao động để sau khi về nước có thể tham gia làm việc hiệu quả tại các cơ sở trong nước, hoặc phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đây là một trong những giải pháp tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm theo hướng bền vững của huyện Thuận Bắc trong thời gian tới.
Ngọc Diệp