Nhận định về triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam, ANZ cho hay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2016 và 6,5% trong năm 2017, dù có những rủi ro xuất phát từ sự suy giảm của ngành nông nghiệp.
Ảnh minh họa.
Trong quý I/2016, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,46%, thấp hơn so với mức dự báo 6,2% mà ANZ đã đưa ra.
ANZ cho rằng sản lượng nông nghiệp giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái do bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá lạnh ở miền Bắc cùng với hiện tượng El Nino ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về sản lượng công nghiệp, ANZ dự báo mức tăng trưởng 6,2%, thấp hơn mức 9% của cùng kỳ năm 2015. Các ngành xây dựng và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn so với quý I năm ngoái nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp sự suy yếu của ngành nông nghiệp.
Về cán cân thương mại, ANZ dự báo hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2016 do những khoản đầu tư vào ngành sản xuất trong năm ngoái.
ANZ cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 1,7% trong năm nay, và sẽ giữ ở mức 2,5% trong năm 2017.
* Cũng về lĩnh vực kinh tế, Nikkei vừa công bố chỉ số “Nhà quản trị mua hàng” (PMI) của Việt Nam.
Theo đó, PMI tháng 3/2016 của Việt Nam đã tăng lên 50,7 điểm từ mức 50,3 điểm của tháng 2. Theo khảo sát, các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt 4 tháng qua.
Số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn khi có báo cáo cho thấy nhu cầu khách hàng mạnh hơn. Số đơn hàng xuất khẩu cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng.
Điều này góp phần làm tăng sản lượng sản xuất 4 tháng liền, mặc dù vậy, tốc độ tăng vẫn khiêm tốn và việc làm giảm nhẹ so với tháng 2. Trong khi đó, giá cả đầu vào đã tăng lần đầu tiên trong 9 tháng.
Nguồn chinhphu.vn