Ảnh: VGP/Thu Cúc
Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập (từ 31/3 đến 30/4/2016) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào các tháng tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về SHTT, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính và tăng cường thực thi quyền bằng biện pháp dân sự, hình sự, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số.
Trong thời gian qua, những hoạt động thực thi quyền SHTT đã được đẩy mạnh, như công tác đào tạo, tập huấn cho các cán bộ đầu mối, lực lượng thực thi quyền SHTT được đẩy mạnh, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu để thiết lập, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng thực thi công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT tiếp tục đạt được hiệu quả.
Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2012-2015, các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng. Đồng thời, tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Nguồn chinhphu.vn