Tính dân chủ, công khai trong công tác Hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

(NTO) Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là một chế định quan trọng trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Do tính chất tiến bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, phù hợp với thực tiễn trong thể chế chính trị của nước ta nên chế định này vẫn tiếp tục được duy trì qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Trước hết, cần khẳng định chế định này thể hiện tính dân chủ, công khai trong quá trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước của Nhân dân.

Phát xuất từ nguyên tắc cơ bản của hệ thống chính trị nước ta là tập trung dân chủ, việc giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) và Thường trực HĐND (đối với bầu cử đại biểu HĐND) thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu được bầu, xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND. Trên cơ sở đó, luật giao cho Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam các cấp tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND.

Ảnh minh họa.

Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND do Mặt trận Tố quốc các cấp thực hiện là một quá trình dân chủ, công khai, minh bạch, bởi lẽ bản chất của hiệp thương là dân chủ, công khai và thỏa thuận. Mặt khác, công tác hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc thực hiện càng bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch bởi lẽ Mặt trận Tổ quốc là liên minh chính trị của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, của các dân tộc, các tôn giáo, là tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, có quyền năng đại diện cho các tầng lớp nhân dân thực hiện việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan quyền lực của Nhân dân.

Tính dân chủ, công khai, minh bạch còn thể hiện ở chỗ quá trình hiệp thương là quá trình xem xét, thảo luận dân chủ, công khai dự kiến về phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của Thường trực HĐND để đi đến thỏa thuận, thống nhất các dự kiến nêu trên. Luật cũng quy định quá trình hiệp thương có vấn đề gì chưa thống nhất, chưa nhất trí thì có quyền kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để xem xét. Như vậy, quá trình hiệp thương không phải là sự thống nhất hoặc nhất trí một chiều, mà có sự bàn bạc, xem xét, cân nhắc, đồng ý hay không đồng ý các dự kiến của các cấp thẩm quyền để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND xứng đáng, phù hợp nhất, bảo đảm cho sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND.

Công tác hiệp thương dân chủ để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND. Bước quyết định cuối cùng mang lại thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là việc cử tri thực hiện quyền bầu cử bằng lá phiếu của mình để bầu người xứng đáng, tiêu biểu nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước của Nhân dân.