Nhìn lại năm 2015, một trong những thuận lợi cơ bản là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành và thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, lạm phát được kiểm soát, ổn định tỷ giá, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo… Những chính sách lớn về tín dụng nông nghiệp, nông thôn ra đời như Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được vốn, đồng thời là tiền đề để Ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn nông thôn vốn là thế mạnh của Agribank. Mặt khác, Agribank Ninh Thuận đã lựa chọn các mục tiêu, giải pháp kinh doanh phù hợp, tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh kiên quyết, gắn với tình hình thực tế tại từng đơn vị trực thuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm khơi tăng nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư tín dụng, tăng cường các biện pháp thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, phát triển dịch vụ... Không những vậy, các Chi nhánh loại 3 và Phòng Giao dịch trực thuộc đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị phần và xây dựng thương hiệu Agribank... Nhờ đó, tổng nguồn vốn huy động tính đến cuối năm 2015 đạt 2.468 tỷ đồng, tăng 149 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt tốc độ tăng trưởng 6,4%. Trong đó, riêng tiền gửi dân cư chiếm 1.857 tỷ đồng, tăng 205 tỷ đồng so cuối năm trước với tốc độ tăng 12,4%, chiếm tỷ trọng 75,2% trên tổng nguồn, vượt 6% kế hoạch.
Tàu Việt Anh vỏ composite được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Cùng với huy động vốn, với phương châm cho vay linh hoạt, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương… nên đơn vị trong năm đạt tổng dư nợ 3.558 tỷ đồng, tăng 721 tỷ đồng so với năm trước, đạt tốc độ tăng trưởng 25,4%. Chi nhánh đã thực hiện tốt chính sách ưu tiên vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, mặc dù lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn ở mức thấp, rủi ro bất khả kháng trong lĩnh vực này là khá lớn, tuy nhiên để thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và Agribank tại chi nhánh đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng kịp thời và thuận lợi nhất. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tính đến cuối năm 2015 là 2.679 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75%/tổng dư nợ, với 32.323 khách hàng được vay vốn. Đầu tư tín dụng cho các xã xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, trong năm chi nhánh đã giải ngân 1.528 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.543 tỷ đồng/25.398 khách hàng (trong đó có 3 doanh nghiệp) thuộc 47 xã trong toàn tỉnh.
Thông qua cho vay qua tổ liên kết, đã tổ chức thành lập và đang hoạt động 744 tổ với 25.128 thành viên, dư nợ 1.018 tỷ đồng... Mô hình cho vay qua tổ liên kết đã tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận với nguồn vốn của Agribank trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; giảm tải công việc của cán bộ tín dụng địa bàn trong quá trình giải ngân, giám sát và đôn đốc thu hồi nợ đối với công tác tín dụng hộ. Đồng thời, thực hiện chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về một số chính sách phát triển thủy sản” đã được triển khai quyết liệt, bài bản. Trong năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt 13 trường hợp đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu hậu cần nghề cá và chi nhánh đã giải ngân 8 dự án với 8 chiếc tàu được đóng mới, hợp đồng tín dụng ký kết 70,889 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân và dư nợ 49,055 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015 đã tổ chức hạ thủy 3 tàu với tổng hạn mức cấp tín dụng 35,9 tỷ đồng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Agribank trên địa bàn. Ngoài ra, việc cho vay theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ cho vay 1.490 tỷ đồng với 24.980 khách hàng vay…
Những kết quả đã đạt được là cơ sở quan trọng để năm 2016 này Agribank Ninh Thuận thực hiện có hiệu quả những mục tiêu đề ra. Theo lãnh đạo đơn vị cho biết, một trong những giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện trong toàn Chi nhánh, đó là tiếp tục đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ Agribank đối với công tác tuyên truyền, vận động tiền gửi đối với khách hàng. Tích cực triển khai cho vay theo Nghị định 55/NĐ-CP, Quyết định 68/2013 của Chính phủ, Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường cho vay theo hạn mức tín dụng hộ nông dân, cho vay lưu vụ, cho vay qua tổ liên kết; đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách hàng là CBCNVC có nguồn thu nhập ổn định vay vốn để phục vụ nhu cầu đời sống. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tuân thủ quy trình và chế độ cho vay, bảo đảm an toàn, hiệu quả vốn vay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chế độ nghiệp vụ, đặc biệt là các hành vi tiêu cực trong cho vay. Ngoài ra, tích cực phát huy sự đoàn kết nhất trí trong toàn chi nhánh, phối hợp với Công đoàn tổ chức các phong trào thi đua năm 2016 và các phong trào thi đua theo chuyên đề, nhằm động viên, khuyến khích người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh toàn chi nhánh...
Điều trăn trở của đơn vị là để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được thuận lợi rất cần được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, thông qua các hoạt động: Đẩy nhanh tốc độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch các vùng chuyên canh để đầu tư các cây trồng, vật nuôi; đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, hồ chứa nước; thành lập các Ban chỉ đạo để thực hiện các Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ và Thông tư của Ngân hành nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn... Mong rằng những vấn đề trên sớm được tháo gỡ, góp phần giúp đơn vị vừa hoàn thành tốt mục tiêu kinh doanh, vừa giúp nông dân phát triển kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ hạn hán kéo dài như hiện nay.
Mai Dũng