Ninh Thuận: Tư vấn mùa thi năm 2016

(NTO) Ngày 12-3, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh, Sở GD&ĐT phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2016.

Tham gia chương trình tư vấn mùa thi năm nay có hơn 20 trường ĐH, CĐ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; lãnh đạo Sở GD&ĐT và Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận. Tại buổi tư vấn, hơn 2.000 học sinh khối 12 thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi, trong đó vấn đề các em quan tâm nhiều nhất vẫn là những điểm mới trong quy chế tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2016; cơ hội việc làm đối với các ngành nghề sau khi ra trường; thông tin học phí, chương trình đào tạo…

 

Toàn cảnh Chương trình Tư vấn mùa thi 2016.
 
 
Học sinh các trường THPT đặt câu hỏi trong Chương trình Tư vấn mùa thi 2016.

Những câu hỏi của học sinh đã được các chuyên gia tư vấn trực tiếp giải đáp, đồng thời đưa ra những lời khuyên cho các em trong việc chọn trường, chọn nghề đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: học lực, điều kiện gia đình, khả năng của bản thân và thông tin xu hướng việc làm trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng, cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi cá nhân, thương hiệu trường theo học, bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, cũng như mối quan hệ và kỹ năng mềm của mỗi người… Bởi vậy, để có cơ hội việc làm tốt, bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành hợp lý, sinh viên cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ… để có thể đáp ứng tốt nhu cầu việc làm của xã hội.

Giải đáp thắc mắc của một số học sinh xung quanh vấn đề hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo Quyết định số 378/2008/QĐ-UBND ngày 24-12-2008 của UBND tỉnh về ban hành Đề án “Đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho các thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng giai đoạn 2009-2020”, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, do số lượng thí sinh trúng tuyển đang theo học ngành Y, Dược đã đáp ứng đủ nhu cầu nên từ năm 2013-2020 tỉnh ta sẽ không còn chỉ tiêu hỗ trợ kinh phí theo quyết định này.

Trả lời câu hỏi của học sinh về vấn đề tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực cho 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận, cũng như cơ hội việc làm khi theo học ngành ĐHN, ông Trần Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận, cho biết: Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho 2 nhà máy ĐHN, thời gian qua, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử hơn 350 học sinh, sinh viên sang Liên Bang Nga học tập (trong đó có 236 người cam kết làm việc cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam), số kỹ sư đào tạo ngành ĐHN trong nước hiện cũng có trên 300 người. Số lượng này đã đủ cho việc quản lý, vận hành nhà máy ĐHN trong giai đoạn 1. Trong khi đó giai đoạn 2 của việc xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã bị lùi lại nên cơ hội việc làm khi theo học ngành ĐHN trong năm 2016 là chưa thể nói trước. Tuy nhiên, do nhu cầu nhân lực phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng 2 nhà máy ĐHN là khá lớn nên học sinh có thể cân nhắc để theo học các ngành khác như: Điện, Cơ khí, Kỹ thuật… để thuận tiện cho việc tìm kiếm việc làm. Riêng việc tuyển chọn, đào tạo nhân lực cho 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận, trong năm 2016 cả nước có 9 chỉ tiêu du học tại Nhật Bản, tuy nhiên toàn bộ chỉ tiêu này chỉ dành cho đối tượng là người đang công tác tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam...