Ngành Ngân hàng: Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng

(NTO) Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn được NHNN-Chi nhánh Ninh Thuận chú trọng. Đặc biệt, để khơi thông nguồn vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn mở rộng mạng lưới, tăng lượng tiền cung ứng cho thị trường, đầu tư phù hợp với định hướng của ngành và đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế địa phương.

Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết: Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo các TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động cung ứng vốn đầy đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế, trọng tâm là các lĩnh vực ưu tiên, như: Cho vay phát triển nhà ở, nước sạch nông thôn, phục vụ nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NQ-CP của Chính phủ..., góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Ninh Thuận.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của hệ thống ngân hàng tỉnh ta trong thời gian qua là thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Chỉ tính trong năm 2015, tổng doanh số cho vay của các ngân hàng đạt 23.050 tỷ đồng, tăng 2.150 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp-thủy sản 3.105 tỷ đồng, chiếm 25,01%, tăng 757 tỷ đồng; công nghiệp-xây dựng 1.905 tỷ đồng, chiếm 15,35%, tăng 187 tỷ đồng; thương mại-dịch vụ-tiêu dùng 7.405 tỷ đồng, chiếm 59,64%, tăng 1.665 tỷ đồng.

Theo Chi nhánh NHNN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.093 DN đang vay vốn các ngân hàng, với tổng dư nợ tín dụng khoảng 4.895 tỷ đồng. Thực hiện giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, thời gian qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các DN 105 hợp đồng tín dụng, với số tiền 90,3 tỷ đồng; xét miễn, giảm lãi vay 17 hợp đồng tín dụng, với số tiền được giảm 4,8 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng cho vay với nhiều DN trong tỉnh. Cụ thể, trong niên vụ mía 2015-2016, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh đã giải ngân cho Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang vay số tiền 102,5 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư vùng nguyên liệu mía tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã giải ngân số tiền 29,19 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố vay thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng-DN, trong năm qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh còn ký kết nhiều hợp đồng tín dụng với các hợp tác xã; triển khai cho các DN xuất nhập khẩu vay ngắn hạn gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất tối thiểu 4%/năm...

Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2016, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% so với năm trước, kiểm soát lạm phát dưới 5%, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý khoảng 6,7%, theo đồng chí Lê Văn Cương, Chi nhánh NHNN tỉnh đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động, cho vay phát triển kinh tế-xã hội và các đối tượng chính sách xã hội. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, ngân hàng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu...

Cùng với đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các TCTD, ngân hàng theo hướng kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao vai trò tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn tín dụng đảm bảo an toàn hoạt động. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng đối với DN theo chủ trương của Chính phủ, như: Chương trình theo Nghị định 67/2014/NQ-CP; Chương trình cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; Chương trình kết nối ngân hàng - DN; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở; Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP... Đồng thời, chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN bị thiệt hại do hạn hán để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay..., theo tinh thần chỉ đạo của NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh trong năm 2016 và những năm tiếp theo.