Theo đó, căn cứ vào trữ lượng nước tại các hồ, đập trên địa bàn, vụ đông- xuân năm nay, huyện Thuận Bắc tập trung 5 vùng chuyển đổi đối với những vùng cuối kênh, vùng khó khăn về nguồn nước, với tổng diện tích 395ha từ đất lúa, đất trồng màu sang trồng bắp nếp, bắp lai, đậu xanh và cỏ. Cụ thể, diện tích chuyển đổi trồng cỏ là 79,65ha, bắp nếp 82,85ha, bắp lai 12,7ha, đậu xanh 219,93 ha.
Cán bộ xã Công Hải kiểm tra tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với hạn hán tại thôn Hiệp Kiết.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ban, ngành từ huyện đến xã, sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân nên đến thời điểm này, toàn huyện đã triển khai xuống giống được 192,55ha, đạt 48,7% kế hoạch. Trong đó, đã xuống giống 100% diện tích trồng cỏ chăn nuôi. Kết quả ghi nhận ban đầu cho thấy cỏ phát triển bình thường, một số hộ đã bắt đầu thu hoạch, bổ sung nguồn thức ăn xanh, góp phần ổn định nguồn thức ăn cho gia súc trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Đó cũng là cơ sở đảm bảo cung cấp thêm nguồn giống để người dân có thể mở rộng diện tích trồng cỏ trong thời gian tới. Bắp và đậu xanh cũng đang phát triển tốt và trong thời kỳ ra hoa đậu quả.
Là xã có diện tích chuyển đổi cao thứ ba toàn huyện, đến nay, Công Hải đã xuống giống được 28,9ha diện tích trồng cỏ, đạt 100% kế hoạch; 48,75ha diện tích đậu xanh và bắp, đạt 85% kế hoạch và là địa phương có tiến độ thực hiện nhanh nhất hiện nay.
Anh Trần Tấn Lập, thôn Hiệp Kiết, một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cây trồng cho hay: Gia đình có 2ha đất trồng lúa 2 năm nay, nguồn nước không đảm bảo, nên chuyển 1ha sang trồng bắp lai trong vụ đông- xuân và dự định sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng bắp và đậu xanh trong vụ hè-thu. Trồng hoa màu tuy mất thời gian chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn hẳn. Tại xã Bắc Sơn, việc chuyển đổi cây trồng được thực hiện tại cánh đồng Láng Me và cánh đồng thôn Bỉnh Nghĩa. Đến nay, toàn xã đã xuống giống được 7,1ha bắp nếp, 45,5ha đậu xanh đối với diện tích sản xuất thuộc tuyến kênh Sông Trâu N15-4, N15-10, đạt 60,3% kế hoạch. Phần diện tích còn lại các nông hộ đang tiếp tục làm đất xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 2 này. Ngoài ra, để nông dân yên tâm đảm bảo đầu ra sản phẩm sau khi thu hoạch, UBND huyện cũng đã giao phòng Kinh tế-Hạ tầng phối hợp với các xã để triển khai ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các tổ nhóm sản xuất với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát.
Có thể nói, đến thời điểm này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với hạn hán tại huyện Thuận Bắc đang tiến hành khá thuận lợi và bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Đó là cơ sở để huyện tiếp tục các phương án sản xuất trong vụ mùa tiếp theo.
Ngọc Diệp