Cùng với đó là không khí hối hả, tất bật của mọi người, nhất là các hoạt động kinh doanh, mua bán hàng tết, tàu xe đi lại… Ngoài ra, điều cũng rất đáng ghi nhận là nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng nhiều ngàn phần quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật… Các hoạt động này làm không khí đón xuân ở nhiều điạ phương càng thêm vui tươi, ấm áp nghĩa tình.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh tặng quà tết cho người dân thôn Tà Dương (Phước Thái, Ninh Phước).
Với chủ trương bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhiều ngày qua các địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ tiền, quà cho các đối tượng chính sách đón xuân theo quy định.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh ta trên 2.092 tấn gạo để giúp cho các hộ nghèo đủ lương thực trong những ngày trước, trong và sau tết. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho người dân ở các vùng, miền trong tỉnh, chỉ tính từ đầu năm đến nay, ngoài các doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ vốn không lãi suất để bán hàng bình ổn thị trường thì nhiều doanh nghiệp đã cung ứng hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, mẫu mã… đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng. Nhìn chung, theo dự báo không có hiện tượng thiếu các mặt hàng thiết yếu, tăng giá đột biến trong dịp Tết nhưng giá có thể tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao như thực phẩm tươi sống, trái cây. Đơn cử như, giá lương thực có thể tăng nhẹ từ 3-5%; giá thực phẩm tươi sống, rau, quả tăng từ 5 -10%, giá các sản phẩm bia, rượu tăng nhẹ từ 2-4%; thực phẩm chế biến tăng khoảng 10-15%; hiện giá các mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10%, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhà nông...
Những kết quả đã nêu trên là rất đáng mừng, tuy nhiên điều cũng hết sức quan tâm đó là cần cảnh giác tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đưa vào các chợ từ thành phố đến nông thôn; nạn buôn bán hàng gian, hàng giả còn diễn ra khá phổ biến... Điều này đặt ra cho các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm; mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân buôn lậu, vận chuyển thực phẩm… trái phép, các cơ sở sử dụng chất phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Cùng với đó, để việc đi lại của người dân thuận tiện và bảo đảm an toàn, các ngành chức năng cần phải bảo đảm phương tiện đi lại, không để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện dẫn đến lộn xộn ở các bến tàu, bến xe; kiểm soát tốt giá cước vận tải, giá vé tàu, xe. Lực lượng công an bố trí, bảo đảm chế độ ứng trực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ trong dịp Tết; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phải giảm được số người bị thương, số người chết do tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán; chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội đầu xuân…
Thiết nghĩ, để vui xuân an toàn, tiết kiệm không chỉ là trách nhiệm của các ngành, địa phương mà còn là “nghĩa vụ” của mọi người, mọi nhà.
H.H