Ninh Sơn: Tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến

Đồng chí Nguyễn Tiến Đức
Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn

(NTO) Để phát triển KT-XH của huyện Ninh Sơn trong giai đoạn tới đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa huyện Ninh Sơn với các địa phương khác trong tỉnh; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách thu nhập bình quân đầu người so với tỉnh và cả nước, phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện bằng mức bình quân chung của tỉnh; khai thác có hiệu quả và phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện với trọng tâm là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, năng lượng, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ du lịch để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế; xây dựng Ninh Sơn trở thành trung tâm động lực về phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh.

 
Công nhân Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú vào ca sản xuất. Ảnh: D.A

Thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2010 – 2015, trong bối cảnh chung của huyện Ninh Sơn cũng có nhiều thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức. Nhưng với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, KT-XH vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và ổn định, tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 12,1%. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, hầu hết các chỉ tiêu về xã hội đạt khá; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, cơ sở trường, lớp học được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa; Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân thực hiện tốt; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt kết quả tích cực; công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tốt; quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Cùng với sự phát triển, trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa từng bước rõ nét. Trên địa bàn đã hình thành các vùng chuyên canh với các loại cây trồng chủ lực của địa phương như: mía 2.675 ha, mỳ 2.634,8 ha đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản. Ngoài ra, địa phương đã tập trung đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị như: phát triển 81 ha diện tích trồng nho, quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn với diện tích khoảng 400 ha gắn với phát triển du lịch vườn. Đồng thời 3.852 cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dung trên địa bàn. Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế tiếp tục được khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

 
Cây mía đem lại kinh tế ổn định, góp phần nâng cao đời sống nông dân huyện Ninh Sơn và phục vụ công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương trong thời gian qua vẫn chưa thật sự bền vững, chưa có bước đột phá mới. Việc xác định giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương để làm cơ sở trong việc xây dựng các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa được tiến hành đồng bộ.

Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ công nghiệp chế biến nông sản như cây mía đường, mì, thuốc lá, điều,.... Bên cạnh đó, Ninh Sơn còn có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lực lao động dồi dào, phù hợp cho phát triển công nghiệp chế biến.Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, tập trung chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng, phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn, phát triển chăn nuôi gia súc bán công nghiệp để nâng cao chất lượng và sản lượng. Tạo điều kiện và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế hộ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Với mục tiêu là bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ và góp phần vào chương trình an ninh lương thực của tỉnh, huyện Ninh Sơn xác định diện tích gieo trồng cây lương thực đến năm 2020 là 14.735 ha; tổng sản lượng thực đạt 82.700 tấn. Xây dựng vùng nguyên liệu mía tập trung tại xã Quảng Sơn với quy mô 3.150 ha vào năm 2020, sản lượng 170.119 tấn. Trong đó diện tích mía có tưới đạt 65% so với tổng diện tích; Xây dựng vùng nguyên liệu mỳ tập trung tại các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, Tân Sơn và Lương Sơn, ổn định diện tích 2.750 ha, sản lượng bình quân hàng năm 64.620 tấn. Tập trung phát triển các loại cây rau, củ quả, đây là nhóm cây có khả năng cạnh tranh với các loại rau ở các khu vực khác như Lâm Đồng. Xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản: Phát triển 400 ha cây ăn quả đặc sản tại xã Lâm Sơn, sản lượng hàng năm đạt 2.400 tấn. Ổn định 1.176 ha điều, với sản lượng 823 tấn. Nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị nông nghiệp trên cơ sở nâng cao chất lượng gia súc, gia cầm. Phát triển mạnh đàn bò theo hướng lai sind; sử dụng các giống heo có tỷ lệ máu lai cao, heo ngoại, hướng nạc; phát triển đàn gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Tổ chức phát triển ngành chăn nuôi quy mô hộ gia đình và quy mô trang trại.

Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện Ninh Sơn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định một số giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo thực hiện, đó là:

Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể và quy hoạch các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 để phát huy thế mạnh của từng vùng, từng lĩnh vực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, gắn kết sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Thuận) trồng mì cung cấp nguyên liệu chế biến cho thu nhập cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Trên cơ sở đề án của các xã, thị trấn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp nhằm tổ chức thực hiện tốt quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, các vùng nguyên liệu cho chế biến phù hợp với điều kiện, đặc thù và lợi thế của mỗi vùng, địa phương. Tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, với mục tiêu phấn đấu là bảo đảm nhu cầu lao động kỹ thuật trong nông nghiệp có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích sản xuất, đặc biệt là chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư vào chế biến nông sản; liên kết với nông dân trong việc đầu tư cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đảm bảo sản xuất ổn định và phát triển. Đẩy mạnh việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ phục vụ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc liên kết “4 nhà” để giúp cho nông dân ổn định sản xuất và đảm bảo thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung đẩy mạnh hoàn thành các tiêu chí bằng việc huy động, sử dụng các nguồn lực khác nhau, đặc biệt chú trọng đến vai trò chủ thể của người dân và sự đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện trong 5 năm tới có những thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với những kinh nghiệm rút ra từ thực tế trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm qua, cùng với sự đoàn kết, nhất trí cao, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện nhà; sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, sự giúp đỡ có hiệu quả của tỉnh, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, huyện Ninh Sơn sẽ vượt qua những khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đề ra, quyết tâm xây dựng quê hương Ninh Sơn ngày càng giàu đẹp.