Du xuân trên thành phố biển

(NTO) Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài và đẹp, trên địa bàn còn có nhiều di tích văn hóa… là lợi thế để Tp. Phan Rang- Tháp Chàm phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, gắn với du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Điểm đến hấp dẫn

Từ lâu, Phan Rang- Tháp Chàm vốn đã nổi tiếng là thành phố biển xinh đẹp và mến khách. Trong đó có bãi biển Bình Sơn- Ninh Chử, được đánh giá là 1 trong 9 bãi tắm đẹp nhất Việt Nam. Với bờ biển dài và đẹp, nước trong xanh, cát trắng mịn, sóng vỗ nhẹ. Thời tiết quanh năm nắng ấm cũng chính là lợi thế giúp thành phố thu hút du khách quanh năm.

Phan Rang- Tháp Chàm còn biết đến là vùng đất có nhiều di lích văn hóa, tâm linh nổi tiếng. Ấn tượng nhất là hệ thống tháp Po klong Garai tồn tại hơn 7 thế kỷ, là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Đặc biệt, du khách có thể đến đây vào tháng 9 hoặc tháng 10 DL để tận hưởng không khí của Lễ hội Ka-tê, sự kiện lớn và quan trọng hàng năm của đồng bào Chăm ở địa phương. Ngoài ra, còn có Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ tọa lạc trên sườn núi Đá Chồng. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể thưởng ngoạn bức tranh sơn thủy hữu tình, với một bên là bãi biển Bình Sơn- Ninh Chử êm đềm nước biếc, những con sóng bạc đầu, một bên là thị trấn Khánh Hải, xa xa Đầm Nại ẩn hiện trong màn sương mờ ảo…Đến với thành phố biển, du khách còn có thể tham quan những vườn nho chín mọng, mua một ít về làm quà, bởi đây là đặc sản nổi tiếng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nắng.

 
Ảnh: TL

Khai thác tiềm năng

Xác định được tiềm năng, lợi thế vốn có, những năm qua, cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại- dịch vụ-du lịch của cả tỉnh. Trong số đó là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường được xây mới, mở rộng dọc theo bờ biển như: Yên Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh…đã giúp thành phố mở mang đô thị hướng ra biển, tạo diện mạo khang trang, bề thế của một thành phố trẻ. Hạ tầng kỹ thuật, đường phố thông thoáng, rộng khắp đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành Du lịch phát triển đột phá. Trên địa bàn thành phố hiện có trên 80 cơ sở kinh doanh lưu trú, với hơn 1.555 phòng, trong đó có 2 khách sạn đạt chuẩn 3-4 sao. Nói đến điểm nhấn trong đầu tư du lịch không thể không kể đến Công viên Biển Bình Sơn. Với diện tích gần 20 ha nằm ngay Ngã tư đường 16 Tháng 4 và Yên Ninh, chạy dọc theo bãi biển Bình Sơn- Ninh Chử gồm các hạng mục bên trong như: khu vui chơi giải trí, đường đi bộ ven biển, các điểm dịch vụ ăn uống… tạo ấn tượng đẹp, thu hút du khách gần xa. Lượng du khách đến với thành phố những năm qua không ngừng tăng lên. Riêng năm 2015, thành phố đón tiếp trên 1,2 triệu du khách, thu về trên 510 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ.

Trong không khí vui tươi chào đón Xuân Bính Thân 2016, rảo bộ trên cầu An Đông, nhìn xuống làng biển Phú Thọ, phường Đông Hải, chúng tôi cảm nhận đời sống của bà con vùng biển đang chuyển mình thay đổi từng ngày. Ông Lưu Giang Nam, Trưởng thôn vui vẻ: Trước đây mỗi lần “lên phố” mất gần nửa giờ chạy xe hơn 10 km vòng qua An Hải, nay thì khác rồi, chỉ cần 5-10 phút là đến nơi. Có chiếc cầu, bà con đi lại, buôn bán cũng thuận lợi hơn”. Với chiều dài hơn 1.100m nối hai bờ sông Dinh, chiếc cầu phá thế chia cắt và kết nối thành phố với huyện Ninh Phước, đặc biệt đây là công trình điểm nhấn cho tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná, tạo thành chuổi liên kết du lịch trong tỉnh cũng như khu vực Nam Trung Bộ, cũng là điều kiện thuận lợi, cơ hội giúp thành phố đẩy mạnh phát triển du lịch. Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng, thu hút đầu tư, hình thành các khu du lịch về hướng Đông Nam; xây dựng các làng nghề đánh bắt hải sản truyền thống ở thôn Phú Thọ, Đông Hải, gắn với du lịch làng nghề, thu hút du khách, với lượng khách trung bình đạt từ 1,5-1,6 triệu người/năm.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Để đưa ngành du lịch của thành phố phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh các giải pháp đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng mạng lưới giao thông, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các loại hình du lịch nhằm khai thác tiềm năng vốn có, thành phố đặc biệt chú trọng giữ gìn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng bằng cách đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển một cách hợp lý; chỉnh trang, quản lý trật tự đô thị... nhằm xây dựng thành phố “Xanh-Sạch-Đẹp”, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, tạo ấn tượng đẹp, thu hút du khách bốn phương.