Ví như việc giữ gìn vệ sinh môi trường góp phần xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp, lợi ích cho mọi người, mọi nhà và cả cộng đồng, cho hôm nay và mai sau thì ai ai cũng thấy. Các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp…triển khai đầy đủ các nội dung, có khen chê cụ thể đối với tổ chức, tập thể, cá nhân. Cơ quan báo chí tốn bao nhiêu giấy mực để tuyên truyền nhưng hết đợt phát động, ngừng tuyên truyền, vận động thì đâu đó lại trở về vị trí ban đầu, có chăng thì chỉ các công sở vẫn duy trì được. Nếu có dịp dạo qua thành phố hay thôn xóm dịp Tết sắp đến, xuân về không khó để chúng ta nhận ra rác sinh hoạt bay trên mỗi nẻo đường, tràn xuống mương dẫn nước, sông cái, nhất là những nơi công cộng như bãi tắm, công viên, những bãi cỏ mịn màng, vườn hoa đẹp rực rỡ nơi công cộng thì một số người tuỳ tiện hái hoa, dẫm đạp… Và đường phố hoa xuân, nơi mọi người du xuân, đón Tết lẽ nào luôn phải có lực lượng công an, dân phòng trực bảo vệ ngày đêm!?
Đến việc hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ bản thân, ảnh hưởng đến môi trường sống của chính vợ, con, những người xung quanh, người nghiện thuốc biết rất rõ nhưng họ vẫn hút. Cơ quan lúc đầu vận động, rồi cấm hút thuốc lá trong công sở, bước đầu thấy hiệu quả. Hội nghị công chức, viên chức, thanh tra nhân dân hồ hởi báo cáo: Trong năm không có cán bộ, nhân viên hút thuốc lá, đề nghị trên công nhận “cơ quan văn hoá”. Cứ nghĩ mấy “vua xả khói” đã từ biệt nó, chỉ đến khi dân phàn nàn mới vỡ lẽ: Các chú cơ quan ra đường hút thuốc lá, xả vô tư (thì cấm trong công sở chứ đâu cấm nơi vỉa hè?). Nghĩ mà thương mấy anh nghiện thuốc lá. Có người nói vui: bỏ hút thuốc lá chuyện nhỏ như con thỏ, thế kỷ 21 rồi mà ông cứ sống như thế kỷ 18. Cánh nghiện thuốc lá thì bào chữa: Ở đời có mấy thú vui, thuốc lá là một nếu bỏ thì còn gì là… Sẽ có một ngàn lẻ một lý do để việc bỏ hút thuốc lá đối với nhiều người nghiện không hề dễ, dù là chuyện nhỏ.
Sẽ còn rất nhiều chuyện nhỏ hiện diện hàng ngày từ nhà ra ngoài đường đến nơi công sở, nếu được liệt kê thì không biết sẽ tốn bao nhiêu giấy mực. Những chuyện nhỏ như trên ai cũng biết, cũng thực hiện được, xã hội quyết tâm cần phải chấm dứt vì không tốt cho cuộc sống, nhưng sao khó thế. Tôi có may mắn quen một chuyên gia cầu đường người Nhật. Chiều chiều sau ngày làm việc anh tham gia chơi tennis cùng chúng tôi. Vốn tiếng Việt không nhiều, chỉ đủ nói, một, hai (giao bóng một hỏng, giao bóng hai), cảm ơn, tốt. Vì cùng chơi thể thao nên chúng tôi có dịp phát hiện ở anh nhiều điều đặc biệt. Hỏi anh hút thuốc lá không? Có, nhưng không nhiều! Phải tinh ý lắm mới phát hiện việc anh hút thuốc lá. Đó là lần trời lạnh, anh một mình ra ngoài sân đến góc khuất hàng cây không có một ai để hút thuốc. Hỏi hút thuốc loại gì, anh đưa chúng tôi xem túi da nho nhỏ như ví đựng điện thoại, bên trong có gói thuốc lá dẹt 10 điếu, một hộp inox rất đẹp như quẹt Zippo, mở ra mới biết bên trong đựng tàn thuốc lá. Không nói ra nhưng chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng. Đôi khi anh mời chúng tôi nếm thử những món đồ khô từ quê hương gửi sang, một chút rơi vãi anh đều nhặt lên cho vào túi nhỏ (có lẽ dùng đựng rác cá nhân). Ra về, dù trận cầu đã kết thúc nhưng không bao giờ đi tắt ngang sân bóng và luôn nhớ bắt tay cảm ơn bạn chơi banh… Có thể nhận thấy mọi cử chỉ giao tiếp, mọi hành vi cá nhân của anh là thói quen văn minh đã trở thành ý thức tự giác cao mà không cần sự điều chỉnh nào của xã hội. Và chúng tôi bỗng nhận ra rằng, sao ta không học tập anh chuyên gia Nhật Bản, mỗi người như anh thì những chuyện nhỏ hằng ngày trở lên hết sức dễ dàng.
Thanh Tâm