Trong trường hợp DN chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn quản lý ở địa phương hoặc ngành có thể đứng ra đại diện cho tập thể lao động của DN đó thương lượng, ký kết TƯLĐTT với chủ DN, nhưng phải có sự yêu cầu của tập thể NLĐ. Như vậy, với 2 quy định trên, trừ số DN có tổ chức công đoàn, DN còn lại nếu có muốn thương lượng, ký kết TƯLĐTT cũng gặp nhiều khó khăn và trên thực tế từ trước đến nay cũng chưa có tập thể NLĐ của đơn vị nào yêu cầu tổ chức công đoàn quản lý thực hiện công việc này. Đây chính là “lỗ hổng” để nhiều DN cố tình né tránh xây dựng, ký kết TƯLĐTT, do đó quyền, lợi ích chính đáng của CN-LĐ đang bị ảnh hưởng.
Công nhân Công ty TNHH TM-SX &XD Nam Thành trong giờ sản xuất.
Chất lượng TƯLĐTT cũng là vấn đề đáng quan tâm. Công đoàn Các khu công nghiệp được xem là đơn vị tích cực thực hiện công tác này. Trong số 30 CĐCS trực thuộc (trừ 2 CĐCS mới thành lập, 2 CĐCS thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp), thì có đến 25 DN có ký kết TƯLĐTT. Tuy nhiên, qua đánh giá, chỉ có 14 đơn vị ký TƯLĐTT có chất lượng tốt, với nhiều điểm có lợi cho NLĐ. Điển hình như Công ty CP Kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi quy định thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ thay vì 48 giờ/tuần, hay Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang… nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đưa ra quy định khen thưởng chuyên cần; … Hầu hết các bản TƯLĐTT còn lại đều sao chép nội dung các điều khoản đã được Bộ luật Lao động quy định. Bên cạnh đó, một số DN không xây dựng báo cáo đánh giá việc thực hiện TƯLĐTT; hằng năm không sửa đổi, bổ sung kịp thời TƯLĐTT khi các văn bản quy phạm pháp luật về lao động có thay đổi hoặc một số chế độ liên quan đến NLĐ có phát sinh…hoặc có sửa đổi, bổ sung nhưng thực hiện chưa đúng theo trình tự, thủ tục quy định; TƯLĐTT đã hết thời hạn nhưng không thương lượng, ký kết lại... Thực trạng này khiến chất lượng TƯLĐTT chưa được như mong đợi. Đồng chí Huỳnh Văn Ngó, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp cho biết: Nhiều chủ DN còn xem nhẹ tầm quan trọng và trách nhiệm của mình đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về TƯLĐTT, cho rằng việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ nên cố tình kéo dài thời gian dẫn đến không ký được hoặc nếu có thì khi quá trình thương lượng, chủ DN né tránh công khai những thông tin sản xuất, kinh doanh, tài chính và viện ra nhiều lý do khó khăn không thể cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Trong khi đó, đa số cán bộ công đoàn còn yếu về kỹ năng thương lượng dẫn đến các TULĐTT chưa đạt chất lượng cao. Ngoài ra, về phía NLĐ do hạn chế về kiến thức pháp luật, chưa quan tâm, xem nhẹ TƯLĐTT từ đó chưa mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra ý kiến của mình trong các cuộc thương lượng xây dựng TƯLĐTT để bảo vệ lợi ích chính đáng cho chính mình; việc thanh tra lao động chưa thường xuyên, chưa xử lý vi phạm hành chính về lãnh vực lao động dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về TƯLĐTT còn xảy ra …
Như vậy, để thực hiện tốt việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT tại DN, trước tiên cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức cho cả NLĐ và người sử dụng LĐ về ký kết TƯLĐTT. Công đoàn các cấp cũng cần chủ động đi sâu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để có thể thực hiện TƯLĐTT có chất lượng nhằm cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc cho NLĐ. Các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ký kết TƯLĐTT; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình né tránh. Ngoài ra, một số quy định về thực hiện TƯLĐTT cũng nên được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp để việc thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT ngày càng có kết quả, chất lượng cao.
Uyên Thu