Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ nghĩa là quyền lực thuộc về Nhân dân và Bác giải nghĩa rất đơn giản và dễ hiểu để thực hiện dân chủ thì: “…phải làm sao cho dân là chủ và dân làm chủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960 tại Hà Nội.
Ảnh tư liệu
Có hai hình thức thực hành dân chủ là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp hay còn gọi là dân chủ đại diện.
Dân chủ đại diện là phương thức thực hiện quyền lực nhà nước cơ bản và phổ biến nhất của Nhân dân, là hình thức thể hiện ý chí của chủ thể quyền lực gián tiếp qua các cơ quan đại diện theo phương thức ''ủy quyền''. Trong trường hợp này, Nhân dân giữ cho mình quyền và chức năng tác động, giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan đại diện, nhằm hạn chế sự tha hóa của quyền lực. Theo đó, Nhân dân thông qua các cơ quan đại biểu do mình bầu ra theo hình thức phổ thông đầu phiếu và ủy thác quyền lực cho các cơ quan đại biểu đó như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Rồi đến lượt mình, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục lập ra các cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Như vậy, hiểu một cách đầy đủ, các cơ quan nhà nước được Nhân dân ủy quyền không chỉ là các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn bao gồm cả các cơ quan trong hệ thống hành pháp và tư pháp. Các cơ quan này thay mặt Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành, quản lý xã hội và chịu sự giám sát của Nhân dân. Đây là một phương thức làm chủ cơ bản trong chế độ dân chủ nhân dân trước đây và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Chính vì thấu hiểu những lẽ đó, ngay sau khi lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì Nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được”.
Theo Người: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”,
Và Người khẳng định: “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và Chính phủ mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân”
Bản chất dân chủ đại diện của Nhà nước Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong điều kiên hiện nay. Đó là Quốc hội thực sự do Nhân dân bầu ra thông qua bầu cử, là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, thể chế hóa chủ trường, đường lối của Đảng và mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phản ánh lợi ích của đại đa số Nhân dân lao động. Và Quốc hội đại diện toàn thể Nhân dân để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.
Điều đó có nghĩa là Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua cơ quan đại diện cao nhất của mình, không chỉ thực thi quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Có thể thấy những thành tựu rực rỡ, những trang sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam gắn liền với từng bước đi của dân tộc, được bắt đầu từ ngày 06 tháng 01 năm 1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Nhân dân Việt Nam. Điều đó đã thể hiện ở những vấn đề sau:
Một là, 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là người đại diện đáng tin cậy của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là nơi tập trung trí tuệ của giai cấp công nhân và các tầng lớp Nhân dân lao động. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết, ý chí thống nhất đất nước và lòng quyết tâm xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của toàn dân tộc. Quốc hội đã xây dựng các cơ chế và tổ chức thực hiện trong thực tế để các cơ quan đại diện thực hiện đúng thẩm quyền, bảo đảm thực hiện đúng chức năng đại diện theo luật định, nhất là tăng cường đối thoại, chất vấn, phản biện và thực hiện nghiêm túc chế độ bãi miễn, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm.
Hai là, 70 năm qua, Quốc hội đã xây dựng hệ thống các cơ chế đảm bảo các đại biểu của Nhân dân hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa, có nhiều thời gian tiếp xúc với Nhân dân. Trình độ và phẩm chất mọi mặt của các Đại biểu và các tổ chức đại diện cho Nhân dân ngày một nâng cao, đảm bảo các quyết định của “Người đại diện Nhân dân” vô tư, trong sáng, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, cục bộ, địa phương, do đó phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của toàn thể Nhân dân lao động.
Ba là, Quốc hội đã ngày càng mở rộng các kênh dân chủ trực tiếp thông qua các hoạt động đối thoại, gặp gỡ, chất vấn, góp ý…trong trước và sau các kỳ họp, trong việc thực hiện hoạt động giám sát, hoạt động xây dựng các Dự án luật… để hỗ trợ và nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện. Đáng chú ý là tổ chức hoạt động dân nguyện, việc mở rộng góp ý trực tiếp của Nhân dân đối với các vị đại diện, tăng cường tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri trước, trong và sau các kỳ họp để các vị đại diện của dân lắng nghe ý kiến của các cử tri, kịp thời phản ánh và thực hiện chức năng là người đại diện cho Nhân dân.
Bốn là, Quốc hội đảm bảo các nhu cầu về vật chất và tinh thần, đã xây dựng nhiều kênh thông tin cả về lý luận và thực tiễn để giúp cho các đại biểu và các cơ quan đại diện nâng cao được năng lực, phẩn chất, kỹ năng của người đại diện, qua đó có cách nhìn khách quan, toàn diện để đại biểu của Nhân dân thực thi tốt chức trách là người đại diện, đại biểu tin cậy của Nhân dân.
Với những vấn đề trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng Quốc hội Việt Nam trong tương lai tiếp tục viết lên trang sử mới, thật sự xứng đáng là người đại diện đáng tin cậy của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là nơi tập trung trí tuệ của giai cấp công nhân và các tầng lớp Nhân dân lao động và là tinh thần đại đoàn kết và lòng quyết tâm xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TS Trương Tiến Hưng
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị