Mặc dù được dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ mạnh hơn so với năm 2015, song kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong năm 2016. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể đạt 3,5%, chưa bằng mức trung bình 4,5% đạt được trong thập kỷ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mức độ tăng trưởng còn được dự báo có nhiều cấp độ khác nhau tùy vào khu vực địa lý cũng như cấu trúc kinh tế của từng quốc gia hoặc từng nhóm quốc gia. Nhìn chung, thế giới đang thiên về xu hướng trở thành một nền kinh tế dịch vụ và khu vực này sẽ tạo ra tăng trưởng nhiều hơn là công nghiệp.
Với Mỹ, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở vào cuối của chu kỳ mở rộng sau 6 năm. Người ta có thể nhận thấy điều này thông qua các cuộc thăm dò, điều tra cùng với đà suy giảm ý định đầu tư của các doanh nghiệp, tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất thấp hơn, sự suy giảm năng suất, … dẫn đến lợi nhuận thấp hơn; tỷ lệ nợ tại các doanh nghiệp, công ty tăng … là những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp, công ty không có nhiều các dự án đầu tư có lợi nhuận cao. Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại dù chưa đến thời kỳ gọi là "suy thoái" và nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ đạt tăng trưởng dưới 2% trong năm 2016.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng tốc độ tăng trưởng chính thức ở Trung Quốc khác với tình hình với thực tế. Mặc dù tuyên bố sẽ đạt tăng trưởng từ 6,5 % đến 7% trong vòng 5 năm tới, song dư luận nhận định tăng trưởng thực tế của Trung Quốc thấp hơn nhiều và chỉ vào khoảng từ 3% đến dưới 5% trong năm 2016, và đây cũng là một tỷ lệ tích cực tại Trung Quốc trong bối cảnh nước đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn về kinh tế. Sự sụt giảm lớn trong nhu cầu đối với các ngành sản xuất công nghiệp, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao, chi phí nhân công cao… đến mức không những các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đầu tư vào Trung Quốc mà chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có xu hướng muốn đầu tư ra bên ngoài. Và kết quả là xuất khẩu giảm, lãng phí do dư thừa công suất và đầu tư giảm. Ngoài việc luồng vốn khổng lồ chạy khỏi Trung Quốc, thị trường này cũng không còn hấp dẫn đối với những ai muốn tìm kiếm chi phí sản xuất thấp. Không những thế, tình hình tại Trung Quốc còn xấu hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước do sự hoạt động rất kém hiệu quả dù chiếm dụng một lượng vốn và tài nguyên lớn.
Trong ngắn hạn, Chính phủ Trung Quốc chưa có được các đề án để sắp xếp hoặc tái cơ cấu lĩnh vực này một cách hiệu quả. Một nghiên cứu chính thức của Trung Quốc cho thấy cần phải sa thải 8 triệu lao động để những doanh nghiệp nhà nước đạt được một mức độ phù hợp tương đối cho sản xuất. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu tích cực cho thấy năm 2016 Trung Quốc có thể đạt được tăng trưởng khả quan nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ. Ngoài ra, việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với ôtô từ 10% xuống còn 5% đã đẩy doanh số bán xe tăng cao; thị trường bất động sản cũng hưởng lợi từ các gói tín dụng lãi suất thấp hơn và dễ tiếp cận hơn.
Năm 2016 tiếp tục sẽ là năm khó khăn đối với các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu nguyên liệu thô. Giá dầu và khí đốt được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu thế giới không tăng trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không giảm nguồn cung. Thép và các mặt hàng kim loại cho công nghiệp nặng cũng được dự báo có xu hướng giảm do nhu cầu thấp trên thị trường thế giới. Điều này tác động lớn đến các quốc gia sản xuất thép như Trung Quốc, Canada, Australia, Mexico và Colombia.
Mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng kinh tế Nga được dự báo đang dần ổn định do không có dấu hiệu hoảng loạn. Năm 2015, nhiều người Nga đã chuyển đổi đồng rubles (rúp) sang đồng USD do lo ngại đồng nội tệ tiếp tục mất giá và lạm phát phi mã. Thực tế là đồng ruble đã mất tới hơn 50% giá trị trong vòng một năm qua và hiện đang được giao dịch ở mức 73 ruble/ 1 USD (so với mức gần 50 ruble/ 1 USD gần 1 năm trước đó) trong khi lạm phát vẫn còn nguy cơ rất lớn. Tuy vậy, có thể sự hoảng loạn đã qua, điều tồi tệ nhất cũng đã đến và sự tự tin trong các ngân hàng đang trở lại, dòng chảy của vốn ra nước ngoài đã giảm đáng kể và niềm hy vọng về sự ổn định tiền tệ cũng đã tới. Vì thế, người Nga có thể hy vọng vào sự kết thúc của sự tăng trưởng âm tới trên 4% năm 2015 để lạc quan vào một sự tăng trưởng quanh mức âm 1% trong năm 2016. Nhưng như vây, nước Nga vẫn tiếp tục trong chu kỳ suy thoái.
Trong khi đó, các nước mới nổi được dự báo có tốc độ tăng trưởng rất khác nhau, từ âm 4,5% ở Brazil đến 7,5% ở Ấn Độ. Tình hình kinh tế tại Ấn Độ thực sự rất tốt do là nước nhập khẩu nhiều dầu nên Ấn Độ có lợi thế rất lớn của giá dầu thấp. Hơn nữa các ngành dịch vụ tại Ấn Độ vẫn đang bùng nổ, lạm phát giảm đã khiến sức mua của người tiêu dùng tăng.... Trong số các nền kinh tế mới nổi, các nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi sẽ tiếp tục trải qua nhiều khó khăn trong đó có việc thiếu lao động lành nghề, hạ tầng, vận tải….
Với châu Âu, Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) được dự báo rất lạc quan với các chỉ số đều tích cực từ xu hướng đầu tư, triển vọng sản xuất, việc làm…. Những chỉ dấu tích cực sẽ tạo điều kiện cho Eurozone có một mức tăng trưởng khả quan trong năm 2016 với dự báo khoảng 1,5%. Tăng trưởng kinh tế tại Vương quốc Anh được dự báo tiếp tục ở mức thấp và cũng đang ở cuối chu kỳ bùng nổ tương tự như tại Mỹ. Đáng chú ý là thị trường bất động sản tại Anh sẽ có sự chững lại sau nhiều năm phát triển bùng nổ.
Các nước Trung Âu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Pakistan cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn với năng lực sản xuất phát triển gắn sự tăng trưởng của xuất khẩu.
Nhìn chung, trong năm 2016 các khu vực trên thế giới sẽ có mức tăng trưởng kinh tế hết sức khác nhau với xu hướng thế giới đang nghiêng về một nền kinh tế dịch vụ. Từ Mỹ, châu Phi hay Ấn Độ, không phải những ngành công nghiệp tạo ra tăng trưởng mà là dịch vụ. Thế giới cũng sẽ chứng kiến một sự suy giảm trong thương mại quốc tế (thương mại phi năng lượng đã giảm tới 12% trong năm qua trong khi trước đó nhiều năm đều đạt mức tăng trưởng tới khoảng 20%). Chính vì vậy, các quốc gia có mô hình tăng trưởng liên quan đến xuất khẩu như Nhật Bản, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc và trong tương lai gần có thể cả Đức sẽ gặp bất lợi.
Theo TTXVN