1. Châu Âu đang trở nên mất an toàn hơn và đã bị thử thách thật sự trong năm 2015. Nhìn lại trong năm qua, thủ đô Paris của nước Pháp phải gánh chịu tới 2 vụ khủng bố đẫm máu vào tháng 1 và tháng 11 đều có yếu tố nhập cư khi các nghi phạm hoặc là gốc gác nhập cư, hoặc là thành viên IS mới xâm nhập châu Âu. Với mục đích trả thù, những phần tử IS muốn răn đe các quốc gia đang tấn công lực lượng này ở Syria và Iraq. Pháp vốn là đồng minh tích cực tham gia các cuộc không kích chống IS do Mỹ dẫn đầu, nên thủ đô Paris-trái tim của châu Âu đã được chọn là mục tiêu.
Cuộc khủng hoảng di cư trong năm qua cũng khiến vấn đề này trở nên nan giải hơn. Châu Âu cần tìm cách để giải bài toán này thật khéo léo, bởi nếu quá duy hòa sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng cho mầm móng khủng bố, còn nếu quá cực đoan thì càng kích động bạo lực.
Trong thời khắc đón chào năm mới 2016, trong bầu không khí hân hoan, châu Âu cũng đang xen lẫn lo âu giữa lúc mối đe dọa khủng bố tăng cao. Chính phủ Bỉ đã hủy bỏ màn bắn pháo hoa và các hoạt động đón năm mới tại Brussels vì lo ngại nguy cơ bị tấn công khủng bố. Giới chức Pháp cũng quyết định không bắn pháo hoa đêm giao thừa. Trước đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 30-12 đã bắt giữ 2 phần tử thuộc tổ chức IS do tình nghi âm mưu thực hiện các vụ đánh bom liều chết trong lễ đón chào năm mới tại thủ đô Ankara. Chính quyền Anh cũng tăng cường sự hiện diện của cảnh sát trong đêm giao thừa và vẫn duy trì cảnh báo khủng bố ở mức “nghiêm trọng”… nhằm tăng cường các biện pháp an ninh, đối phó với nguy cơ tấn công khủng bố.
2. Nga và Liên minh châu Âu (EU) ý thức được sự cần thiết của việc nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
Đại sứ EU tại Nga Vygaudas Usackas nhấn mạnh là những đối tác kinh tế quan trọng của nhau, hai bên đều quan tâm tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và hướng tới bình thường hóa quan hệ. Nhà ngoại giao EU cho rằng đánh giá tổng quan mối quan hệ giữa EU và Nga, rõ ràng phần lợi ích chiếm ưu thế so với những bất đồng và cho rằng quan hệ thương mại song phương hiện là “quan trọng nhất” và 5% vốn đầu tư nước ngoài tại Nga đến từ các nước thành viên EU.
Liên quan tới vấn đề cung cấp dầu mỏ và khí đốt, Đại sứ Usackas nhấn mạnh Nga và EU là những đối tác thân thiết. Mặc dù EU đang phát triển Liên minh Năng lượng và quan tâm tới các nguồn năng lượng khác nhau, nhưng tất cả những hành động này không nhằm mục đích chống lại Moskva hay Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga mà là vì nhu cầu người tiêu dùng của liên minh.
Kể từ tháng 7-2014, Mỹ và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều lĩnh vực thuộc nền kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Đáp lại, Moskva cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lương thực,thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU. Vào cuối năm 2015, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau đã được gia hạn tới giữa năm 2016. Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
P.V