Hàng trăm nghiên cứu khoa học không đáng tin cậy

Trong hàng trăm nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học y sinh đã được công bố tồn tại nhiều lỗ hổng thông tin lớn, gây lãng phí hàng trăm tỷ USD và làm chậm tốc độ phát triển của khoa học.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "PLOS Biology" ngày 4-1, phân tích ngẫu nhiên 441 bài viết về các công trình nghiên cứu y sinh công bố trong 15 năm trở lại đây cho thấy chỉ có duy nhất 1 bài viết cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để đánh giá và mô phỏng lại thí nghiệm được mô tả. Nghiên cứu khoa học chỉ được coi là có cơ sở vững chắc khi nó được các nhóm nghiên cứu khác tái lập lại và cho ra kết luận tương tự dù sử dụng các phương pháp độc lập. Hơn nữa, phần lớn các công trình này không nêu rõ nguồn tài trợ và một số thông tin chuyên môn quan trọng khác. Một nghiên cứu riêng rẽ khác của các chuyên gia Đức kiểm tra hàng trăm thí nghiệm đã công bố về đột quỵ và ung thư và thấy rằng phần lớn không có thông tin rõ ràng về số lượng động vật sử dụng trong thử nghiệm, làm giảm mức độ đáng tin của các kết luận khoa học. Theo nhóm chuyên gia, con số này có ý nghĩa quan trọng đối với một nghiên cứu và phải được bao gồm trong văn bản công bố ra công chúng.

Bên cạnh đó, tạp chí "PLOS Biology" cũng đăng tải một bài viết khác báo động về tình trạng thiếu tin cậy của các nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy chỉ có 39 trong tổng số 100 nghiên cứu tâm lý học được tái dựng thành công. Một nghiên cứu khác còn cho thấy 85% đầu tư vào nghiên cứu khoa học y sinh, tương đương 200 tỷ USD đầu tư toàn cầu trong năm 2010, đã bị lãng phí. "PLOS Biology" đang xây dựng một chương trình kiểm tra sau nghiên cứu, thông qua việc tạo ra một diễn đàn về đánh giá lại các công trình khoa học được công bố để cải thiện chất lượng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y sinh nói riêng cũng như khoa học nói chung.

Theo TTXVN