Tuyên truyền-Chìa khóa thành công cho các cuộc bầu cử

Mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, không khí như ngày hội. Góp phần rất lớn vào thành công chung của mỗi cuộc bầu cử là công tác tuyên truyền để người dân, cử tri hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi trực tiếp cầm lá phiếu đi bầu…

Tuyên truyền trong những ngày đầu có bầu cử

Vào thăm khu trưng bày trong Nhà Quốc hội Việt Nam, chúng tôi rất ấn tượng với những trang báo được chụp lại, phóng thành những khung hình lớn. Đó là những tác phẩm báo chí được xuất bản từ cuối năm 1945, đầu năm 1946 để tuyên truyền cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6-1-1946. Thật khó có thể tưởng tượng, trong điều kiện còn vô vàn khó khăn, khi chính quyền lâm thời cách mạng mới được thành lập ít tháng; thù trong, giặc ngoài chống phá quyết liệt, nhưng công tác tuyên truyền đã được thực hiện bài bản đến thế. Nhờ công tác tuyên truyền rất chuyên nghiệp ấy, cử tri và nhân dân cả nước biết rõ quyền lợi của mình khi trực tiếp cầm lá phiếu đi bầu cử, quyết định ai sẽ là người đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của bộ máy chính quyền.

Tờ Cứu quốc xuất bản ngày 10-12-1945 ví Quốc hội với Hội nghị Diên Hồng, là nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của cả dân tộc, để đồng bào, cử tri thấy được tầm quan trọng của việc tự mình quyết định lựa chọn người tiêu biểu vào nơi sẽ tái hiện những Hội nghị Diên Hồng lịch sử. “Nếu Hội nghị Diên Hồng ngày xưa đã đưa lại cho ông cha ta sự chiến thắng giặc Nguyên một cách vẻ vang, thì Quốc hội ngày nay cũng phải đưa lại cho chúng ta sự chiến thắng giặc Pháp”, bài báo đưa ra kết luận. Chiến thắng giặc ngoại xâm là mong muốn ngàn đời kết tinh thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử. Việc bầu ra Quốc hội để biểu đạt quyết tâm thành lập một Nhà nước dân chủ, độc lập, biểu đạt ý chí của toàn dân trong việc quyết tâm đánh đuổi bè lũ xâm lăng, tuyên truyền để cho cử tri, nhân dân hiểu được điều đó, nên cuộc Tổng tuyển cử đã thành công.

Nhân dân lao động Thủ đô cổ động cho ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên.
Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Còn báo Quốc hội số 2 (tháng 12-1945) thì viết: “Chúng ta hãy tỏ cho kẻ thù là bọn Pháp thực dân biết: Chúng ta (là) dân tộc sáng suốt. Dự Quốc hội cho đông, đó là cách ta chế nhạo kẻ thù. Toàn dân lo đến việc bỏ phiếu, đó là một cách làm cho kẻ thù rất phiền. Thong thả, điềm tĩnh, sáng suốt mà lựa chọn cho thận trọng người đại biểu thay chúng ta mà cầm lái con thuyền quốc gia trong cơn giông tố này”.

Trên báo Quốc hội số 13 (ra ngày 3-1-1946) có đăng một bài thơ cổ động của tác giả Bích Hà, mở đầu bằng khổ thơ: “Lá phiếu đưa ra phải chọn người/ Hãy nên thận trọng, chị em ơi!/ Cử người đại biểu cho dân đấy/ Vận mệnh kia mà, há truyện chơi”. Chữ “truyện” vốn để nói về những thứ được “sáng tác” ra, không phải là chuyện có thực. Sự phi thực tế được diễn giải sau đó bằng những kẻ hám quyền lực, quen mui mua quan bán tước để kiếm lời, hay những kẻ tung ra một mớ bằng cấp để “lòe” thiên hạ. Kết thúc bài thơ vẫn là những câu thơ trong khổ thơ đầu tiên, nhưng chữ “truyện” được thay bằng chữ “chuyện” để nhắc nhở bà con bầu cử cho sáng suốt, tránh biến cuộc bầu cử từ “chuyện” thành “truyện”…

Không chỉ tuyên truyền mang tính chuyên nghiệp cao trên các ấn phẩm báo chí, các cụ già khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên còn nhắc tới những cách thức tuyên truyền trực tiếp rất hiệu quả của cán bộ Việt Minh. Họ tìm mọi cách để tuyên truyền trực tiếp tới nhân dân về việc lần đầu tiên dân ta được tự mình bầu ra Quốc hội và Quốc hội sẽ thay mặt nhân dân quyết định thành lập hay giải thể các cơ quan Nhà nước khác, quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Cán bộ Việt Minh thậm chí phải ra đồng cùng làm ruộng với dân, cùng lao động bất cứ việc gì với dân để tranh thủ tuyên truyền, vì nhân dân khó bỏ ra cả buổi để ngồi nghe cán bộ tuyên truyền…

Nhờ những cách thức tuyên truyền vừa chuyên nghiệp, vừa độc đáo và cũng hết sức gần gũi ấy, nhân dân đã hiểu rõ về quyền bầu cử, quyền ứng cử lần đầu tiên được thực hiện sau hàng nghìn năm chỉ làm con dân của những ông vua cha truyền con nối. Bởi vậy, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thành công rực rỡ, bất chấp sự chống phá điên cuồng của thực dân Pháp và bè lũ tay sai…

Tuyên truyền trong thời đại cách mạng thông tin

Từ những ngày đầu tiên tổ chức Tổng tuyển cử đến nay, công tác tuyên truyền trước, trong và sau mỗi cuộc bầu cử vẫn được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức rất quan tâm, chú trọng. Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đều được thực hiện thành công rực rỡ. Qua đó, người dân đã lựa chọn được cho mình những vị đại biểu xứng đáng.

Trong thời đại cách mạng thông tin bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, cách thức tiếp nhận thông tin của nhân dân đã có nhiều thay đổi, các thế lực thù địch cũng luôn tận dụng những lợi thế thông tin mới để ra sức chống phá, làm lung lạc và suy giảm niềm tin của nhân dân vào các cuộc bầu cử. Do vậy, công tác tuyên truyền cũng cần có sự đổi mới để đáp ứng được yêu cầu mới của thực tiễn.

Một trong những kênh thông tin rất được những kẻ chống phá ưa chuộng là các trang mạng xã hội đang ngày càng trở nên thịnh hành trong xã hội. Do vậy, ngoài các cách thức tuyên truyền truyền thống, các bộ phận phụ trách tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp sắp tới cần tận dụng tốt hơn các trang mạng xã hội để vạch rõ luận điệu sai trái, âm mưu, thủ đoạn của những kẻ muốn chống phá cuộc bầu cử.

Một cách thức tuyên truyền khác là cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động vận động tranh cử. Theo đó, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cần tổ chức vận động tranh cử sôi nổi hơn để cử tri hào hứng hơn trong việc lựa chọn người đại biểu thực sự có “tâm”, có “tầm”. Khi các cuộc vận động tranh cử thu hút được sự quan tâm của cử tri và nhân dân, tự thân nó sẽ trở thành sức hút cử tri, nhân dân tham gia các cuộc bầu cử một cách có trách nhiệm hơn…

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân