Dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ

Theo GS. Lê Mậu Hãn, Quốc hội đầu tiên của Việt Nam ra đời sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, hòa nhịp cùng với bước tiến của thời đại là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960 tại Hà Nội.
Ảnh tư liệu

GS. Sử học Lê Mậu Hãn cho biết vào thời điểm trước ngày Tổng tuyển cử năm 1946, đã có 118 Chủ tịch UBND và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà".

Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời đồng bào ngoại thành Hà Nội: “Tôi rất cảm động được đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử ở Thủ đô đã làm nức lòng nhân dân Hà Nội và cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của cách mạng, nhất là các báo như Cứu quốc của Việt Minh, Cờ Giải phóng của Đảng Cộng sản Đông Dương… đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh công khai đập tan sự xuyên tạc của kẻ thù, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng và thông tin kịp thời về Tổng tuyển cử trong cả nước.

Đặc biệt là tờ nhật báo Quốc hội đã ra đời (tờ báo này chỉ phát hành trong kỳ Tổng tuyển cử).

Nhật báo Quốc hội nhằm ba mục đích rõ ràng, đó là định rõ giá trị cuộc Tổng tuyển cử đối với ngoài nước và trong nước; giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho công dân Việt Nam hiểu quyền hạn và bổn phận của mình trong khi chọn và cử người đại biểu vào Quốc hội; giúp những ứng cử viên giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình của mình.

Nhật báo Quốc hội ra đúng 15 số. Số 1 ra ngày 17/12/1945 và số cuối cùng-số đặc biệt ra ngày 6/1/1946.

Sáng 5/1/1946, lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các báo đều đăng: “Ngày mai, mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn. Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước. Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thực câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng…”.

Báo Quốc hội, số đặc biệt ngày 6/1/1946 đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. GS Lê Mậu Hãn cho hay, mặc dù tất cả ứng cử viên đã được đăng tiểu sử kèm theo ảnh trên báo, nhưng những cuộc tiếp xúc cử tri rộng rãi và dân chủ đã diễn ra ở khắp nơi từ trước đó.

Tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền, vận động Tổng tuyển cử diễn ra bằng nhiều hình thức, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của mỗi dân tộc. Hàng nghìn đồng bào Kinh, Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao… ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng… đã kéo về tỉnh lỵ, châu lỵ và trụ sở chính quyền để mít tinh, hoan nghênh Tổng tuyển cử.

Trước ngày Tổng tuyển cử một hôm, ngày 5/1/1946, tại khu Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cuộc mít tinh của hơn hai vạn đồng bào Hà Nội chào mừng Tổng tuyển cử.

Trước đông đảo quần chúng có mặt, Bác đã nói với các ứng cử viên: “Vừa rồi đây, ta vừa giành được độc lập. Một số ít người, chỉ một số ít thôi, đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc vì cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật mới đòi được cái quyền dân chủ ngày nay… Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu".

Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu rất cao. Người được 169.222 phiếu của cử tri khu vực Hà Nội, tương đương 98,4%.

Khi được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác, thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh Quốc dân ra trước mặt trận".

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của Việt Nam ra đời, hòa nhịp cùng với bước tiến của thời đại, đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta.

Nguồn chinhphu.vn