Hồi ức của đôi vợ chồng là Đại biểu Quốc hội

(NTO) Chúng tôi gặp ông Nguyễn Trung Hậu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa VIII (nhiệm kỳ 1987-1992), khóa IX (nhiệm kỳ 1992-1997) và bà Đỗ Thị Gái, vợ ông, ĐBQH khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981) tại nhà riêng trong tình trạng sức khỏe của ông không tốt. Không thể nói được nhiều vì đang bệnh, nhưng qua câu chuyện trao đổi chủ yếu với bà Đỗ Thị Gái, chúng tôi có thể hình dung được hoạt động đóng góp cho tỉnh nhà của ông và bà trong thời kỳ làm ĐBQH.

Qua 2 khóa QH, với trọng trách trưởng đoàn và tổ trưởng tổ Đảng, ông Nguyễn Trung Hậu đã để lại dấu ấn khó quên trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh nhà. Ngược dòng ký ức, trong QH khóa VIII, lúc ấy còn là tỉnh Thuận Hải, trên cương vị trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, ông đã cho thấy vai trò năng nổ, trách nhiệm của mình. Trước mỗi kỳ họp, ông luôn cùng các ĐB trong đoàn thống nhất xác định chương trình, kế hoạch làm việc trực tiếp với các bộ, ngành Trung ương để đề đạt ý kiến của chính quyền và nhân dân địa phương. Đáng chú ý là ông đã cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Thuận Hải tích cực vận động nhiều bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành… ủng hộ việc chia tách tỉnh Thuận Hải theo chỉ đạo của Trung ương. Điều này được coi là một sự kiện quan trọng, cũng là dấu ấn đậm nhất mà ông để lại trong vai trò ĐBQH, từ đây Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận được thành lập.

 
 
Ông Nguyễn Trung Hậu và bà Đỗ Thị Gái.

Tái đắc cử ĐBQH khóa IX, do yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động QH, là Bí thư Tỉnh ủy, ông được cử làm tổ trưởng tổ Đảng của Đoàn ĐBQH tỉnh (ông Nguyễn Chí Bền làm trưởng đoàn, ông Chamaléa Điêu làm phó đoàn). Cùng với đoàn, ông đã kiến nghị nhiều vấn đề của tỉnh nhà lên QH, được Chính phủ ghi nhận đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng như hồ Tân Giang, đường điện quốc gia về các xã miền núi… Đặc biệt với suy nghĩ cần cải tiến hình thức tiếp xúc cử tri, ông đã bàn với các ĐBQH trong đoàn chuyển hướng tiếp xúc với cử tri ở địa bàn thôn, xã (nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn); tiếp xúc với từng nhóm đối tượng cử tri theo nghề nghiệp (nhân sĩ, trí thức, công thương gia…) với nội dung thiết thực, phù hợp đặc điểm, trình độ cử tri tham gia. Ngoài các đợt tiếp xúc tập trung, ông còn thông qua phạm vi quan hệ công tác hằng ngày để thực hiện tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng đầy đủ và chính xác hơn.

Bây giờ ở tuổi 84, sức khỏe suy giảm, nhưng khi nhắc về quãng thời gian làm ĐBQH, ông có vẻ vui lên. Ông tâm sự, điều mà ông muốn gửi đến các ĐBQH đương nhiệm của tỉnh nhà là hãy thường xuyên làm việc với các bộ, ngành Trung ương, quan tâm đề xuất nhiều vấn đề bức xúc của địa phương lên QH và Nhà nước, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Sớm hơn ông, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không lâu, đang ở cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Ninh Phước, lúc đó thuộc tỉnh Thuận Hải, bà Đỗ Thị Gái được bầu làm ĐBQH khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981). “Trở thành ĐBQH khi mới 27 tuổi đời, còn rất trẻ, lại vào thời điểm đất nước ta vừa thống nhất nên tôi nhớ mãi những ngày tháng ấy, từ trong kháng chiến bước ra với cảm giác mình là người may mắn hơn đồng đội, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm giao cho”-bà Đỗ Thị Gái mở đầu câu chuyện.

Trong quãng thời gian làm ĐBQH, với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà đã xông xáo, bám sát đời sống xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ảnh lên các kỳ họp QH. Nhắc tới những kỷ niệm lúc còn làm ĐBQH, bà nhớ nhất là trong một kỳ họp QH, được đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài đón chờ để phỏng vấn về dự kiến phát biểu của mình, dù xúc động nhưng bà vẫn trả lời lưu loát. Thường trong các kỳ họp QH, nội dung mà bà luôn quan tâm trình bày, góp ý là về công tác phụ nữ. Bằng những hoạt động tích cực ngay từ buổi đầu nhận nhiệm vụ ĐBQH, bà Đỗ Thị Gái đã vinh dự được bầu vào đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng tại Hà Nội vào tháng 12-1976.

Gần 35 năm đã trôi qua, người ĐBQH ngày ấy giờ là cán bộ hưu trí tích cực làm công tác xã hội. Thường xuyên theo dõi thông tin các kỳ họp QH trên báo, đài, bà rất vui khi thấy hoạt động QH ngày càng đổi mới. Từ tình cảm của một cựu ĐBQH, bà mong muốn Đoàn ĐBQH tỉnh ta cũng như ĐBQH nói chung tiếp tục sâu sát cuộc sống, chăm chú lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh kịp thời lên các kỳ họp QH và phải tăng cường hơn nữa chức năng giám sát của mình, phát huy trách nhiệm của ĐB dân cử, không phụ lòng tin của cử tri trong tỉnh.