Vấn đề hôm nay:

Bình ổn thị trường cuối năm!

(NTO) Chỉ còn vài ngày nữa là giã từ năm cũ 2015 để đón chào năm mới 2016. Có thể nói từ đầu tháng 12 đến nay thị trường trong nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đã bắt đầu sôi động với mọi loại hàng hóa, đủ để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng và cùng với đó cũng kéo theo “muôn hình, vạn trạng” cách làm ăn, thật giả lẫn lộn, giá cả theo đó cũng “thiên biến, vạn hóa” để “móc túi” người tiêu dùng với lợi nhuận cao nhất!.

 
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra lô hàng nhập lậu. Ảnh: Văn Thanh

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Yêu cầu đặt ra là thực hiện giám sát chặt chẽ giá cả, cung - cầu hàng hóa trên cơ sở chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, có biện pháp điều tiết giữa các vùng, miền, bảo đảm hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; tích cực tổ chức các chuyến đưa hàng Việt phục vụ lưu động người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi…trong dịp Tết. Đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị dự trữ hàng hóa để cung ứng sớm và đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt.

Lực lượng Quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, kiểm tra vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, các thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định; có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là trong dịp trước và sau Tết; hướng dẫn các địa phương có biện pháp kịp thời, phù hợp để bảo đảm đủ nguồn hàng với giá ổn định phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi; kiểm soát chặt tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, cơ sở kinh doanh rau, quả phục vụ Tết, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm…

Các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các yêu cầu nêu trên tin rằng thị trường tết cả dương lịch và tết cổ truyền sẽ giảm thiểu tình trạng lộn xộn, “lập lờ” để “đánh lận” người tiêu dùng từ chất lượng hàng hóa đến giá cả, tiếp tục mang lại mùa xuân đầm ấm cho Nhân dân…