Trước đây, gia đình anh Võ Văn Hoàng (ở thôn Tân Sơn 2, xã Thành Hải, Tp. Phan Rang –Tháp Chàm) điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhưng từ khi đi XKLĐ tại Hàn Quốc trở về, anh Hoàng đã xây dựng cho gia đình căn nhà khang trang với trị giá trên 1 tỷ đồng và một số vốn để làm ăn. Anh Hoàng cho biết: Xác định đi XKLĐ là con đường nhanh nhất để có vốn và chăm lo cho gia đình nên anh đã đăng kí đi XKLĐ tại Hàn Quốc từ năm 2011. Với mức thu nhập bình quân khoảng 1.500 USD/tháng, trừ hết chi tiêu, hàng tháng anh cũng gửi về cho gia đình khoảng 1.000 USD. Một thời gian sau, anh cũng lo hồ sơ cho em gái sang Hàn Quốc lao động. Hiện nay, hai anh em đã trở về nhà và có cuộc sống ổn định, không còn vất vả như trước đây.
Anh Võ Văn Hoàng trong căn nhà mới xây dựng từ vốn XKLĐ.
Cũng giống như anh Hoàng, anh Đinh Trọng Quý (ở thôn Quán Thẻ 1, xã Phước Minh, Thuận Nam) cũng đi XKLĐ tại Hàn Quốc từ năm 2010 và mới về nhà được hơn 1 năm. Từ số vốn có được sau khi đi XKLĐ, anh đã đầu tư trên 500 triệu vào trang trại nuôi cừu với tổng đàn 250 con. Anh Quý cho biết nếu đi làm thuê, làm mướn ở nhà thì chắc không bao giờ anh có một số vốn lớn như vậy để làm ăn.
Anh Hoàng, anh Quý chỉ là 2 trong số hàng trăm người đã đi XKLĐ trở về nước đã có vốn để đầu tư làm ăn. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng người đi XKLĐ thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả thấp. Trong 5 năm (2011-2015) chỉ đưa được 170 người đi làm việc ở nước ngoài (Malaysia có 109 lao động; Nhật Bản: 39 lao động; Hàn Quốc: 17; Ả Rập Xê út: 3; Nga: 1: Đài Loan: 1) đạt 23,94% kế hoạch. Trong đó, kết quả thực hiện Đề án hỗ trợ huyện nghèo Bác Ái XKLĐ theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững”, trong 5 năm chỉ có 41 người tham gia XKLĐ. Theo đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH cho biết: Mặc dù trong thời gian qua chương trình XKLĐ được hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng số lao động đăng ký đi XKLĐ vẫn đạt thấp. Nguyên nhân lớn nhất đó là tâm lý e dè, ngại đi xa của người lao động, lực lượng lao động tuy nhiều nhưng chất lượng không cao, đa số có trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề, bên cạnh đó công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động XKLĐ, giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ngoài ra, chi phí ban đầu để đi XKLĐ tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đối với người lao động cũng là vấn đề lớn.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giải quyết việc làm, XKLĐ nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, qua đó nhằm tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững cho người lao động. Đồng chí Trần Văn trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH cho biết thêm: Để nâng cao tỷ lệ lao động đi XKLĐ trên địa bàn tỉnh, cần những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích từ công tác XKLĐ để họ tích cực tham gia. Ngoài ra, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp XKLĐ; Kiểm tra, lựa chọn những doanh nghiệp XKLĐ có đầy đủ điều kiện pháp lý, có uy tín và năng lực hoạt động, thị trường xuất khẩu phong phú, ổn định để tuyển lao động địa phương đi làm việc, cũng như thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp này để các ngành, địa phương phối hợp thực hiện.
XKLĐ là một trong những giải pháp tạo việc làm, làm giàu chính đáng. Hàng năm, với nguồn vốn mà số người tham gia chương trình XKLĐ gửi về đã góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống các gia đình cũng như phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp của người lao động được nâng cao hơn so với làm việc trong nước. Vì vậy, để nâng cao tỉ lệ XKLĐ trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, quan trọng nhất chính là làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về những lợi ích mà XKLĐ đem lại.
Thế Quang