Hoạt động lập pháp - Thành tựu nổi bật của Quốc hội Việt Nam

(NTO) Ngày 6-11-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng, tất cả mọi công dân một nước mới vừa giành độc lập, đã tích cực tham gia cuộc Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Suốt 70 năm qua, trong ba chức năng quan trọng đó của Quốc hội, mỗi chức năng đều có vị trí quan trọng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, để đất nước và nhân dân ta có được những thành tựu rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hội nhập và phát triển, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một trong những thành tựu nổi bật và là điểm nhấn của Quốc hội Việt Nam trong quá trình 70 năm qua là hoạt động lập pháp, trong đó bao gồm hoạt động lập hiến và hoạt động xây dựng pháp luật… Với hoạt động lập pháp của mình, Quốc hội đã tạo cơ sở, nền tảng và tiền đề để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Hoạt động lập hiến được Quốc hội đặc biệt quan tâm thực hiện ngay từ khi Quốc hội mới được thành lập. Ngay nhiệm kỳ đầu tiên, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946-Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập. Đây là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước pháp quyền ở thời kỳ đầu trong thời đại mới.

Tiếp đó, trong giai đoạn đấu tranh thống nhất nước nhà, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Kế thừa, phát triển Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Quốc hội tiếp tục ban hành Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó là Hiến pháp 1992-Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Và gần đây nhất, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Hiến pháp 2013-Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hoạt động lập pháp trên lĩnh vực xây dựng pháp luật ngày càng được quan tâm, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, củng cố hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo cơ sở cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, chủ động và tích cực hội nhập ngày càng sâu vào các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế với khu vực, trên toàn thế giới.

Thành tựu nổi bật của hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày được tỏ rõ và phát huy hiệu quả ngày càng cao trong các khóa Quốc hội từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới đến nay. Nếu số lượng văn bản luật bao gồm các luật, đạo luật và pháp lệnh từ khóa I đến khóa VIII chỉ đạt đến con số 140, thì các khóa Quốc hội từ khóa IX đến khóa XIII hiện nay con số trên đã nâng lên 441 trên tổng số 581 các văn bản luật từ khóa I đến nay, đạt tỷ lệ 75%.

Có thể xem hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam nói chung, đặc biệt các khóa Quốc hội trong thời kỳ đổi mới và hiện tại là một nét son chói lọi trong thành tựu chung của Quốc hội Việt Nam trong 70 năm qua.