Tuy nhiên, đối với một số cơ quan, đơn vị không phải cuộc họp nào cũng mang lại kết quả, nhưng… không họp là thiếu yên tâm bởi đã thành “thói quen”!. Bất cứ việc lớn, việc nhỏ trong cơ quan, đơn vị đều phải lấy ý kiến tập thể gồm cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, công đoàn, lãnh đạo các phòng, ban liên quan. Và ý kiến “tập thể” này được xem là “mệnh lệnh” thực hiện trên “tinh thần” khách quan, dân chủ… Cách làm này có ưu điểm là được bàn bạc tập thể, “3 cây chụm lại nên hòn núi cao” nếu như được người đứng đầu chuẩn bị kỹ nội dung và chuyển cho các thành viên dự họp để tiếp cận, tìm hiểu trước, chuẩn bị ý kiến tham gia bằng chính trí tuệ, kinh nghiệm trong công việc của mình nhằm góp phần vào giải pháp chung để việc thực hiện đạt kết quả cao nhất…
Theo tìm hiểu của chúng tôi bên cạnh những cuộc họp dạng này vẫn còn không ít cuộc họp “tẻ nhạt”, chỉ có người đứng đầu gần như “độc diễn”, còn lại các thành viên nghe một cách lơ đểnh, đây đó trao đổi chuyện riêng. Có điều, khi hỏi ý kiến mọi người đều… nhất trí cao!. Lại có những hội nghị sơ, tổng kết báo cáo thì dài dòng kể lể thành tích, khó khăn… còn phương hướng đặt ra năm sau như… năm trước, giải pháp thực hiện thì chung chung, ngay cả “tham luận” các phòng, ban chuyên môn cũng nặng về báo cáo thành tích mà nhẹ về góp ý thẳng vào vấn đề cần quan tâm để năm sau đạt kết quả cao hơn… Đó là chưa nói đến “bệnh thành tích” còn nặng nề ở không ít cơ quan, đơn vị nên từ việc họp đến sơ, tổng kết nội dung “nhạt như nước ốc”, không thu hút được sự chú ý của nhiều người dự họp.
Để chấn chỉnh tình trạng này, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quy định về “Chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh”. Với mục tiêu là nhằm giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức các cuộc họp. Qua đó cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu tăng cường cải cách hành chính trong tình hình mới. Quy định còn xác định rõ 6 nguyên tắc tổ chức cuộc họp, đặc biệt quy định rõ 9 trường hợp không tổ chức cuộc họp để tập trung thời gian giải quyết công việc theo thẩm quyền đã được giao. Về trách nhiệm của người chủ trì và người tham dự cuộc họp cũng được đề cập trong Quy định với yêu cầu phải đạt hiệu quả, thiết thực cả 2 phía. Điều cũng đáng nói là Quy định còn nghiêm cấm kết hợp tổ chức cuộc họp với việc tham quan, nghỉ mát để chống gây lãng phí cho ngân sách và tạo dư luận không tốt trong Nhân dân…
Trong dịp cuối năm này nhiều cơ quan, đơn vị tất bật với tổng kết năm để đánh giá những kết quả, đồng thời xác định nhiệm vụ trong năm tới. Thiết nghĩ, đây là việc cần làm. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định nêu trên của UBND tỉnh để việc họp trở thành thực chất, hiệu quả. Làm tốt thì đây cũng xem là cuộc thay đổi lớn trong “tư duy” họp vậy!.
Tuấn Dũng