(NTO) Nhiều năm qua, phần lớn các trường học trong tỉnh từ THPT đến tiểu học, nhất là cấp THCS trở xuống đều có “đội quân ăn theo” là những người bán hàng rong với đủ loại từ thức ăn đến nước uống; cả bánh, kẹo đến bánh mỳ thịt nguội, cơm, phở,... ăn “chơi” cũng có mà ăn “thiệt” cũng đầy đủ. Nói chung, hễ có nhu cầu thì đều được đáp ứng. Sôi nổi nhất là giờ ra chơi và tan trường. Tuy không mấy “đẹp” về bộ mặt nhưng... riết rồi cũng thành quen nên lãnh đạo nhiều trường cũng xem là chuyện bình thường. Thế nhưng điều “không bình thường” chính là ở chỗ chất lượng các loại thực phẩm kia liệu có an toàn, vệ sinh!. Chắc chắn là không. Chỉ cần dạo quanh một số trường tiểu học hay THCS từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đến các huyện đều dễ nhận thấy là bánh, kẹo, nước giải khát... được bày bán trên mẹt, thúng hay xe đẩy với đủ loại màu sắc bắt mắt đều không có nhãn mác rõ ràng hoặc có thì nhìn sơ cũng biết là hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hàng rong bán trước cổng trường học không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ảnh: Sơn Ngọc
Không cần truy nguyên nguồn gốc, chỉ qua cách bán và mức độ “tiêu dùng” của học sinh cũng đủ suy đoán là hàng giá rẻ để phù hợp “túi tiền” của học sinh mà cha mẹ cho để ăn vặt khi đi học. Và chỉ cần 1.000 đồng thôi cũng đã có món kẹo, bánh ưa thích. Vài năm gần đây lại xuất hiện thêm món bánh tráng trộn vừa rẻ, vừa thơm giòn làm nhiều học sinh khoái khẩu nhưng ít ai biết rằng các nguyên liệu dùng làm bánh này có an toàn vệ sinh thực phẩm!. Tất nhiên không thể “đạt” chất lượng. Một số người bán trần tình: - Lâu nay bán nhiều người ăn nhưng chưa thấy độc hại gì?.
Không thể phủ nhận, nhờ học sinh mà đã giúp cho không ít người có thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do quá thờ ơ với sức khỏe của người khác nên phần lớn người bán hàng rong chỉ mua hàng giá rẻ, trôi nổi để bán, thậm chí họ cũng không quan tâm đến hàng đó còn hạn sử dụng hay không!. Đáng trách là chính quyền địa phương cũng không chú ý đến khâu kiểm tra việc mua bán này nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự phối hợp với nhà trường để tuyên truyền về vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng cũng chưa được thường xuyên. Phụ huynh học sinh cũng vậy, cho tiền con cái nhưng lại không quan tâm lắm đến mục đích sử dụng, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm đến sức khỏe của con em từ các hàng quán “vây quanh” trường. Một số bậc phụ huynh chúng tôi có dịp tiếp xúc, đa phần chưa hiểu đầy đủ về hậu quả của thực phẩm trôi nổi bán trước cổng trường!. Để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi ngay các trường cũng phải tuyên truyền cho học sinh hiểu để “nói không” với hàng rong, thay đổi thói quen ăn quà vặt. Đồng thời cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần thường xuyên phối hợp nhà trường để ngăn chặn hàng rong “xâm nhập”. Xoá bỏ những mặt hàng độc hại trước cổng trường là việc vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của rất nhiều ban, ngành, đoàn thể và hơn ai hết chính từ các bậc phụ huynh cần chăm lo đến sức khỏe của con em mình, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn.
H.H