Chuyện "vị đắng nước trà"

(NTO) Cánh đàn ông toàn thích những thứ cay, đắng như cà phê, rượu, trà… Ai dè phụ nữ chúng mình không có sở thích như mấy anh giờ cũng cảm nhận được “vị đắng nước trà”. Nghe mấy cô chị trao đổi, anh bạn trẻ gật gù: Cứ thưởng thức nguyên bản (không pha trộn-không đường) mới thấy cái “vị đắng” thật khó tả và cảm nhận cái sảng khoái khi dùng.

Khi nào có trà, cà phê đặc biệt, em a-lô mấy chị tới thưởng thức cùng bình luận nhé! Cứ nghĩ lời đề nghị của mình hấp dẫn, ai dè chị xinh đẹp lên tiếng: Tưởng cậu thông minh, tụi này có dùng nước trà bao giờ đâu mà chú mời, “vị đắng” ở đây là “sếp mời uống nước trà” rồi phê bình nhắc nhở!?- Ai biểu mấy người cứ úp úp mở mở, cứ nói thẳng ra để em cùng chia sẻ, học tập có tốt không? Ừ, biết đâu nay mai sếp cơ quan cho chú “uống nước trà” nhỉ, thôi thì cứ chuẩn bị tinh thần trước đi khỏi bị ”sốc”. Chị xinh đẹp tiếp lời, rồi kể: Cơ quan chị có sếp mới về, trông trẻ trung, đẹp trai, lại con nhà nòi, tính tình vui vẻ nên anh em cơ quan ai cũng phấn khởi “sếp” mới xem chừng dễ chịu, anh em được nhờ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn mọi người trong cơ quan đã cảm nhận được sức nóng từ sếp trẻ. Nói đi đôi với làm, việc đầu tiên là làm việc đúng ngày tám giờ, ứng dụng văn phòng điện tử để điều hành cơ quan. Cái cảnh đi sớm về muộn, làm việc với cơ sở không có kế hoạch, chương trình của một bộ phận cán bộ, công chức bị "thổi còi". Tuy không bằng lòng nhưng đúng với quy định của Nhà nước và quy chế của cơ quan nên ai nấy đều phải chấp hành. Chỉ khổ mấy chị gia đình có con nhỏ, nuôi cha mẹ già, ngày làm việc không có được ít phút nghỉ trưa. Rồi sếp chỉ đạo xây dựng quy chế đánh giá xếp loại cá nhân, tập thể và công khai trên mạng nội bộ. Nếu ai đó thực hiện nhiệm vụ chậm tiến độ, chất lượng không đúng yêu cầu, bị "khách" phàn nàn thì tuỳ mức độ để hạ bậc…

Nhờ có những quy định hết sức chi tiết, cụ thể, tổ chức đánh giá công khai nên việc phân loại cán bộ, công chức có tác dụng tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đối với những trường hợp thực hiện nhiệm vụ chưa tốt được sếp “mời uống nước trà”. Có trưởng phòng được hỏi nguyên nhân tiến độ công việc chậm, báo cáo rằng anh em đã làm hết sức nhưng do công việc đột xuất nhiều. Sếp hỏi: Có đúng vậy không hay năng lực còn hạn chế? Trưởng phòng chỉ biết ngồi im, anh nhẹ nhàng nói: yếu thì phải cố gắng, làm trong giờ hành chính chưa xong việc thì làm ngoài giờ, có vậy mới nâng tầm lên được. Có cá nhân thuộc diện quy hoạch được cử đi đào tạo thạc sĩ tìm cách chối khéo: Vợ em sắp sinh em bé, xin vài năm sau đi học cũng chưa muộn? Anh ôn tồn: Ai cũng có những khó khăn nhất định, hồi tôi đi học thạc sĩ, bà xã sinh đôi hai công chúa, vợ chồng cùng nhau vượt khó rồi cũng qua, thời gian không chờ ai cả, muốn khẳng định mình thì phải học và học. Vì thế, việc các trưởng phòng, cá nhân được sếp mời uống trà khá nhiều, họ đều có chung nhận xét “nước trà của sếp đắng” quá. Không biết có phải vì “thuốc đắng dã tật” hay không nhưng cơ quan giờ đây đã bắt đầu đi vào nền nếp, câu chuyện sếp mời uống nước trà đã trở thành "quá khứ". Nghe chuyện chị xinh đẹp chia sẻ, anh bạn trẻ buột miệng: May mà cơ quan em cũng vừa mới triển khai quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, hy vọng em không thuộc diện sếp mời uống nước trà!

Năm 2015 sắp qua đi, mỗi cơ quan, đơn vị lại có dịp tổng kết đánh giá kết quả công tác, tìm nguyên nhân của những hạn chế và giải pháp khắc phục. Sẽ có những tập thể, cá nhân được nhận “nước trà vị đắng”, có khi là trà vị chát đó cũng là chuyện bình thường và có thể là điều may mắn để ta nhận ra chính mình để tiếp tục vươn lên trong công tác.