Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới cuối năm 2015

(NTO) Triển khai Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, và huớng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); tỉnh ta tiến hành Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh theo chuẩn mới cuối năm 2015.

Đồng chí Hà Anh Quang
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu về việc Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh theo chuẩn mới cuối năm 2015?

Đồng chí Hà Anh Quang: Mục đích của cuộc tổng điều tra nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011–2015; đồng thời, xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi cả nước để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020. Về yêu cầu, việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thực hiện đúng quy trình, bảo đảm trung thực, công khai, minh bạch nhằm xác định đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương. Điều tra viên phải là người hiểu biết tình hình dân cư tại địa bàn; trực tiếp đến phỏng vấn, thu thập thông tin của từng hộ và phản ánh đúng tình hình thu nhập và việc tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ theo các tiêu chí quy định tại phiếu điều tra; có kinh nghiệm điều tra, khảo sát; am hiểu về đánh giá đặc điểm hộ gia đình, thông thuộc địa bàn khảo sát. Người cung cấp thông tin là chủ hộ hoặc người đang sinh sống trong hộ hiểu và nắm được các thông tin theo yêu cầu của phiếu điều tra. Kết quả điều tra phải phân loại được hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí quy định của Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-11-2011 và Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên: Vậy theo đồng chí, cách xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều áp dụng từ cuối năm nay sẽ được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Hà Anh Quang: Phạm vi và đối tượng điều tra là toàn bộ hộ dân cư trên phạm vi cả tỉnh. Đối với hộ nghèo được xác định dựa trên 2 tiêu chí, thứ nhất, đó là nghèo về thu nhập bình quân đầu người, dưới mức 700.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Thứ hai, nghèo dựa trên mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có 5 chiều cơ bản với 10 chỉ số đo lường (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và tiếp cận thông tin). Sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để phân loại đối tượng hộ nghèo. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn, hộ nghèo là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực thành thị, hộ nghèo là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Riêng đối với hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị, hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Phóng viên: Đồng chí cho biết thêm về kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh ta?

Đồng chí Hà Anh Quang: Sở LĐ-TB&XH căn cứ Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020” và Công văn số 4789/LĐTBXH-VPQGGN ngày 23-11-2015 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai tổng điều tra. Sở LĐ-TB&XH cũng đã chủ động triển khai trước về công tác tập huấn, hướng dẫn quy trình Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho 887 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và điều tra viên của 402 thôn, khu phố (từ ngày 26-10 đến 3-11); ngày 1-12, tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo cho 300 giám sát viên, cán bộ, lãnh đạo của 65 xã, phường, thị trấn và cán bộ hội, đoàn thể cấp tỉnh (Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân...). Dựa trên Kế hoạch triển khai Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 và giai đoạn 2016–2020 của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh năm 2015. Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã và đang triển khai kế hoạch điều tra cấp huyện, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, tổ chức họp triển khai nhiệm vụ... Từ ngày 3 đến 6-12, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban chỉ đạo trong công tác giám sát và hỗ trợ địa phương thực hiện điều tra; thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo và phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể; đồng thời, hoàn thành phát phiếu điều tra (phiếu A, B và phiếu C) trước ngày 6-12 đến tay Điều tra viên để phục vụ công tác điều tra bắt đầu vào ngày 7-12, theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Về thời gian thực hiện đối với công tác chuẩn bị: Từ ngày 2-12 đến ngày 6-12-2015 xây dựng kế hoạch; thành lập Ban chỉ đạo điều tra các cấp; lập dự toán kinh phí; tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân về ý nghĩa, mục đích của cuộc tổng điều tra. Thời gian điều tra và báo cáo (từ ngày 7-12 đến ngày 12-12-2015) tổ chức điều tra, tổng hợp kết quả điều tra tại thôn, khu phố. Từ ngày 12-12 đến ngày 14-12-2015 tổng hợp cấp xã, huyện, tỉnh. Báo cáo sơ bộ trước ngày 15-12-2015; báo cáo chính thức trước ngày 15-1-2016.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!