Chúng tôi hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), mở đường cho việc hai bên hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký kết, phê chuẩn và triển khai đầy đủ Hiệp định này. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã chỉ đạo các quan chức cao cấp của cả hai bên xây dựng lộ trình định hướng chung và chương trình hỗ trợ kỹ thuật. EVFTA sẽ giúp Việt Nam, với tư cách một nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào kinh tế toàn cầu.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ góp phần phát triển kinh tế và xã hội của cả hai bên thông qua việc tăng cường tiếp cận thị trường của mỗi bên. Hiệp định cũng sẽ mang lại một làn sóng đầu tư chất lượng cao từ cả hai phía, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thông minh và có sức cạnh tranh hơn. Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn. Với dân số 93 triệu người, cùng với sự gia tăng sức mua và lực lượng lao động trẻ và năng động, Hiệp định sẽ mang lại cho EU những cơ hội lớn hơn đối với xuất khẩu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hơn nữa, Hiệp định còn là một dấu mốc quan trọng đối với tổng thể quan hệ thương mại ASEAN - EU, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và EU. Hiệp định Thương mại tự do, cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) Việt Nam - EU, sẽ giúp tạo dựng một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn. Chúng tôi trông đợi quá trình phê chuẩn PCA sẽ sớm được EU hoàn tất để hai bên triển khai đầy đủ Hiệp định này.
Chúng tôi tin tưởng rằng việc tăng cường quan hệ đối tác sẽ cho phép chúng ta giải quyết tốt hơn những thách thức trong tương lai trên con đường hướng tới xã hội thịnh vượng, dân chủ và công bằng. Chúng tôi chia sẻ nhận thức rằng quản trị tốt, tôn trọng quyền con người, pháp quyền và tuân thủ hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế là những nhân tố quyết định cho sự phát triển. Trong bối cảnh đó, hai bên cam kết sẽ triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình hỗ trợ Tư pháp và Pháp luật tại Việt Nam do EU tài trợ (EUJULE), dự kiến sẽ khởi động vào nửa cuối năm 2016. Liên minh châu Âu hoan nghênh quá trình cải cách thể chế pháp luật đang diễn ra ở Việt Nam, khởi đầu là Hiến pháp năm 2013, trong bối cảnh đó, EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách này, phù hợp với khuyến nghị của Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã được Việt Nam chấp thuận. Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, tư pháp và pháp quyền, giáo dục chất lượng cao, quản lý tài chính công, năng lượng bền vững, môi trường và cơ sở hạ tầng.
Chúng tôi tái khẳng định cam kết về một hiệp định về biến đổi khí hậu ràng buộc về pháp lý đối với tất cả các bên tại Hội nghị COP 21 ở Paris. Hiệp định này phải tạo ra được một nền tảng vững chắc để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ, bao gồm mục tiêu dài hạn, đóng góp minh bạch và có trách nhiệm, và cho phép nâng cao tham vọng trong tương lai. Chúng tôi quyết tâm tăng cường hợp tác để phát triển “năng lượng bền vững cho mọi người”; và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện Việt Nam - EU nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững và hợp pháp (Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại gỗ) vào trước cuối năm 2016.
Chúng tôi đã trao đổi về các thách thức khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề khủng hoảng di cư và tị nạn, và nhất trí cùng hợp tác để giải quyết các thách thức này. Chúng tôi nhất trí rằng việc tăng cường quan hệ đối tác sẽ góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi khẳng định cam kết duy trì hòa bình, tăng cường an ninh, tự do hàng hải và hàng không, giao thương hợp pháp không bị cản trở ở khu vực Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn và nhất trí về tầm quan trọng đặc biệt phải kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hành động đơn phương và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Chúng tôi ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ EU can dự sâu vào khu vực thông qua các tiến trình do ASEAN dẫn dắt và ghi nhận mong muốn của EU tham gia Cấp cao Đông Á. Chúng tôi nhất trí sẽ đóng góp mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU và xem xét các sáng kiến chính sách chung ASEAN - EU đối với các thách thức có tính toàn cầu. Chúng tôi cũng nhất trí sẽ xem xét khả năng xây dựng các sáng kiến chung Việt Nam - EU trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Văn phòng Chính phủ