Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết TP. Huế đang triển khai dự án Quy hoạch chung TP. Huế thông minh từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc.
Mục tiêu của dự án này nhằm xây dựng hệ thống quản lý đô thị tổng hợp, hiệu quả; thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch văn hóa; xây dựng đô thị xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng đô thị an toàn thông minh để bảo vệ an toàn cho người dân và thúc đẩy công nghiệp; xây dựng đô thị trọng điểm cho sự phát triển cân bằng trong khu vực...
Ông Thọ khẳng định, khi hoàn thành dự án này, sẽ giảm thiểu tối đa chi phí điều hành quản lý đô thị; tăng cường điều hành quản lý đô thị bằng cách phòng chống và đối phó kịp thời với nguy hiểm thông qua việc sử dụng hệ thống camera quan sát, cảm biến và trung tâm quản lý tổng hợp...
Với những đóng góp lớn từ khu vực đô thị đối với nền kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước. Ảnh: VGP/Hoàng Long
Thừa Thiên-Huế xác định xây dựng đô thị thông minh tập trung cho khu vực đô thị Huế, hướng tới đô thị có nền kinh tế, quản trị, giao thông, năng lượng… thông minh bằng việc ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến.
Ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Thừa-Thiên Huế trong việc xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Viêt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thành phố, đô thị thông minh chính là con đường để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững trong thế kỷ 21.
Hiện nay, tính riêng 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, chỉ chiếm 5,5% diện tích và 26,4% dân số nhưng đóng góp hơn 46% GDP cả nước. Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra 4 vấn đề lớn hiện nay cần phải giải quyết, đó là: Đô thị hóa tăng cùng các vấn đề như môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…; hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng và những đòi hỏi ngày càng cao của người dân về chất lượng cuộc sống như giáo dục, y tế, chính quyền.
Do đó, cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện để giải quyết những vấn đề đó và đô thị thông minh chính là chìa khóa. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nếu ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết, các vấn đề “quy hoạch, quy chế, quy trình” sẽ được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm kinh phí, thời gian.
Hiệu quả hoạt động kinh tế cũng tốt hơn do người dân, doanh nghiệp, du khách được tiếp cận các dịch vụ công thuận lợi, minh bạch hơn bởi ứng dụng công nghệ thông tin. Môi trường sống nhờ đó cũng xanh, sạch hơn.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hoàng Long
Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng, lợi ích của xây dựng đô thị thông minh là rõ ràng. Đặc biệt, người dân trong một đô thị thông minh sẽ là chủ thể tham gia sáng kiến xây dựng cũng như giám sát hoạt động của chính quyền, bởi tất cả được thực hiện minh bạch thông qua mạng máy tính.
“Đô thị thông minh chính là công cụ để thực hiện các giải pháp tối ưu nhất trong quản lý xã hội, mang đến lợi ích cao nhất cho người dân, bởi chỉ cần một cái ‘nhấp chuột’ máy tính, người dân có thể biết hết những thông tin cần thiết về các dịch vụ xã hội”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Tuy nhiên, để việc xây dựng Huế thành đô thị thông minh không xa vời, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, địa phương cần có những giải pháp, lộ trình triển khai phù hợp. Theo đó, cần xác định rõ những thách thức trong dài hạn và tập trung chọn một số lĩnh vực, vấn đề cụ thể để tiến hành giải quyết trong thời gian trước mắt.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau cuộc làm việc này, Mặt trận sẽ bàn với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án phát triển các thành phố thông minh đến năm 2020. Đồng thời, Mặt trận cũng sẽ bàn với Bộ Xây dựng về kế hoạch xây dựng đô thị thông minh của TP. Huế, mục tiêu đến tháng 3/2016, sẽ chính thức bàn về đề án này.
Nguồn www.chinhphu.vn