Tuy nhiên, thực tế cuộc sống hôm nay lại... không như mình mong muốn. Hôm rồi anh bạn tôi than phiền: - Từ cơ quan về nhà, đến ngã tư gặp đèn đỏ dừng lại nhưng vài cô cậu học trò choai choai đi xe đạp điện không những không dừng mà còn... ngang nhiên vượt qua, đã vậy còn quay lại “cười khảy” mình. Mấy ông xem có tức không chứ!.- Đúng là... tức thật. Hành động sai rõ mười mươi như thế lại còn “chê” người nghiêm túc thực hiện đúng luật giao thông.- Tôi nửa đùa, nửa thật. Mà chẳng phải riêng gì anh bạn tôi phàn nàn, ngay cả tôi cũng thường hay gặp, thậm chí còn bị... “vận” vào mình.
Có lần tôi bị một cô “nữ tú” cự nự vì để cho cô... quẹt xe!. Số là tôi đang đi trên đường, cô nọ từ trong đường hẻm phóng xe ra cúp ngay đầu xe của tôi, nhờ đi chậm nên tôi thắng kịp và chỉ va chạm nhẹ, vậy mà thay vì nói lời xin lỗi thì cô gái này trừng mắt quát: Đi đứng kiểu gì lạ vậy!. Đúng ra là câu này dành cho tôi nói mới phải nhưng thấy thái độ “yếu văn hóa” của cô này nên tôi... thôi!. Thế đấy, cứ như áp dụng “phép thắng lợi tinh thần” của A.Q trong truyện của Lỗ Tấn cho xong!. Tuy cuộc sống còn nhiều và nhiều hành vi khó nói như vậy và ít ra ai cũng gặp một vài lần. Thường là rơi vào giới trẻ, rất thừa những lời... “thô thiển” nhưng lại rất thiếu những lời có văn hóa!. Một anh bạn tôi vốn là nhà mô phạm dạy văn cứ than rằng: Liệu chừng văn hóa giao tiếp sẽ đi đâu về đâu?. Thực ra, không nên trách giới trẻ bởi đây là “sản phẩm” của giáo dục đạo đức trong nhà trường, xã hội và gia đình, nhất là ở môi trường gia đình. Không đâu xa, các bạn tôi con cái dù đã thành danh, nhưng khi bạn của cha mẹ đến nhà đều khoanh tay chào như hồi còn nhỏ vậy. Những mẫu người như thế liệu có quá “kiệm” những lời cám ơn hay xin lỗi không?. Tôi nghĩ tất nhiên là không.
Trở lại môi trường giao tiếp “hẹp” hơn là văn hóa giao thông, thật ra cũng không có gì lớn lao. Khi tham gia giao thông các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, chen lấn, bóp còi inh ỏi, đi ngược chiều… Những hành vi đó không chỉ gây phiền toái cho người khác mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh. Bên cạnh đó, văn hóa khi tham gia giao thông còn cần có tính cộng đồng, nghĩa là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông; chủ động đưa người già yếu, trẻ em qua đường… Một khi tính cộng đồng được phát huy sẽ giúp ngăn chặn những vụ việc va chạm, tranh cãi hoặc thậm chí hành hung không đáng có trên đường cũng như chấm dứt tình trạng vô cảm trước nỗi đau và rủi ro của người khác...
Suy cho cùng, vạn sự cũng từ ý thức mà ra. Đừng tiếc chi một lời xin lỗi để trong giao tiếp, ứng xử nói chung, “quan hệ” khi tham gia giao thông nói riêng đều được xử sự trên nền tảng văn hóa.
HH