Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH phát biểu tại buổi kiểm tra.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956, huyện Ninh Phước đã tổ chức được 50 lớp dạy nghề với 1.953 học viên tham gia. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tổ chức triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Số lao động được tạo việc làm sau học nghề là 1.518 lao động, đạt tỷ lệ 95,47%. Công tác dạy nghề đã đáp ứng được nhu cầu của người lao động nông thôn, chủ yếu là tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cao tri thức trong lĩnh vực tin học để tiếp cận các ứng dụng trong khoa học nông nghiệp, thông tin về giống cây trồng, vật nuôi, giá cả và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Phát huy, bảo tồn các sản phẩm làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm để tự tạo việc làm, tăng thu nhập gia đình…Mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian tới phấn đấu đạt trên 450 lao động/năm và dự kiến 5 năm (2016-2020) sẽ đào tạo cho 2.250 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 40%.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH đề nghị huyện Ninh Phước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Đề án triển khai của UBND tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng dạy nghề cho lực lượng lao động thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số, địa bàn khó khăn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tổ chức, cá nhân. Thực hiện kiểm tra, rà soát, thống kê, nắm chắc thông tin về cung - cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.
Thế Quang