Có thể thấy mạng xã hội đã thể hiện rất tốt vai trò kết nối giữa mọi người. Tuy nhiên, ở một góc khuất khác, những đối tượng xấu có thể lợi dụng công cụ ảo này để thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.
Mới đây, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử vụ án hiếp dâm trẻ em, mà trong đó, bị cáo đã lợi dụng sự quen biết trên mạng xã hội facebook để tiếp cận và dụ dỗ đối tượng. Bị hại khi đó chỉ mới 12 tuổi. Một vụ án tương tự cũng xảy ra hồi đầu tháng 3. Chỉ sau vài lần trò chuyện trên mạng xã hội, bị cáo và bị hại hẹn gặp nhau, để rồi người thì phải chịu tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần, kẻ phải vào trại giam để trả giá cho hành vi phạm tội của mình.
Những vụ án như thế chính là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Việc cho con em sử dụng các thiết bị điện tử thông minh như smart phone, máy tính bảng,... khi các cháu còn nhỏ tuổi, dễ khiến các em bị “lậm” vào đời sống ảo. Thiếu hiểu biết cộng với tính tò mò và thích thể hiện mình là người lớn sẽ thúc đẩy các em rơi vào “bẫy” của những đối tượng xấu.
Với mạng xã hội, hầu hết mọi người đều thoải mái thể hiện suy nghĩ, tình cảm, chia sẻ mọi hoạt động hằng ngày của bản thân. Đây sẽ là nguồn “dữ liệu” quan trọng về một cá nhân mà thông qua đó, rất dễ nắm bắt tính cách, sở thích, đặc điểm tâm lý và thói quen sinh hoạt của mỗi người. Vì thế, các đối tượng xấu chỉ cần “theo dõi” trang cá nhân trên mạng xã hội của “con mồi” trong một thời gian ngắn là có thể kết bạn, trò chuyện để tạo thiện cảm, niềm tin và sau đó hẹn gặp trực tiếp vài ba lần rồi thực hiện hành vi xấu.
Vì thế, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đối với con cái là hết sức quan trọng. Đặc biệt, đối với các em ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý và tình cảm có nhiều biến động, nhu cầu được hiểu và chia sẻ là rất lớn. Phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn cho con cái, hướng con em vào các hoạt động xã hội lành mạnh, bồi dưỡng cho các em kỹ năng sống cần thiết, để vừa có được kiến thức xã hội, vừa sống “thực” và có trách nhiệm hơn với bản thân.
Nguyên Hạ