(NTO) Trong 5 năm 2011-2015, cả nước có trên 450.000 người đi làm việc ở nước ngoài, hàng năm bình quân có trên 100.000 lao động xuất khẩu. Đây được xem là một trong những “nguồn lực” mang ngoại tệ về cho đất nước đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Nếu như nhiều địa phương trong cả nước “sôi nổi” với thị trường xuất khẩu lao động thì đối với tỉnh ta hoạt động này khá “im ắng” mặc dù cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tạo điều kiện cho lao động tiếp cận thông tin thị trường ở một số quốc gia mà những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có quan hệ. Theo thống kê, trong 5 năm 2011-2015, toàn tỉnh mới có 170 lao động làm việc ở nước ngoài, chỉ đạt gần 24% so với mục tiêu đề của tỉnh đề ra. Trong số này, nhiều nhất là ở thị trường Malaysia có 109 lao động, kế đến Nhật Bản có 39 lao động, thấp nhất là thị trường Nga, Đài Loan mỗi nơi chỉ có 1 lao động. Đáng nói là với tổng số lao động nói trên riêng Bác Ái đã “đóng góp” 41 lao động tham gia từ Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững” theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Cán bộ phụ trách Lao động – Việc làm tư vấn đến tận nhà tư vấn xuất khẩu lao động
cho thanh niên xã Phước Thắng, huyện Bác Ái.
Vấn đề đặt ra là vì sao người lao động trong tỉnh chưa “mặn mà” xuất ngoại để tìm cơ hội việc làm trong khi tỉnh tạo nhiều điều kiện cần thiết cho đối tượng này?. Đơn cử như, trong 5 năm 2011-2015, thực hiện Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã có 46 lao động được hỗ trợ trên 66,2 triệu đồng, bình quân 1,44 triệu động/người gồm các khoản như bồi dưỡng kiến thức, khám sức khỏe, hộ chiếu, visa, tiền đi lại... Riêng hỗ trợ cho 41 lao động ở Bác Ái theo Đề án huyện nghèo với tổng kinh phí trên 321,1 triệu đồng, bình quân trên 7,83 triệu đồng/người. Qua đó, đã góp phần giảm khó khăn ban đầu cho người lao động... Tuy nhiên, thực tế cho thấy cái khó đầu tiên vẫn là xuất phát từ nhận thức của cán bộ, nhất là cán bộ tại địa phương, người dân và người lao động chưa đầy đủ về lợi ích khi đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Cho nên tuyên truyền, vận động, giải thích về chủ trương, chính sách không đến nơi đến chốn; người dân thì chưa thay đổi “tập quán” đi xa để làm ăn mặc dù nhu cầu rất bức thiết. Điều cũng cần đề cập đến là công tác đào tạo nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động chưa hiệu quả, chưa gắn đào tạo nghề với thị trường cần dẫn đến mâu thuẫn: Nơi cần thì không có lao động để đáp ứng và ngược lại. Thực tế từ thời gian qua, hầu hết lao động xuất khẩu của tỉnh đều là lao động phổ thông nên thu nhập còn thấp. Mặc khác, các doanh nghiệp tuyển lao động xuất khẩu chưa “minh bạch” giữa việc làm và thu nhập của người lao động; chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra sự cố hoặc tranh chấp... nên dẫn đến tâm lý e dè cả người lao động và người thân của họ. Một số người cho rằng: Đi lao động nước ngoài “thân cô, thế cô”, ngôn ngữ, phong tục tập quán bất đồng nên nếu có chuyện gì xảy ra thì biết làm sao?. Còn như lao động trong nước tuy thu nhập thấp nhưng cũng là nước mình vẫn hơn!. Thực chất của vấn đề làm cho nhiều lao động muốn đi xuất khẩu nhưng lo ngại vì thiếu thông tin và độ tin cậy từ các cơ quan, đơn vị chức năng.
Để “gỡ khó”, ngày 13-11 vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TU “Về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả bằng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động của từng địa phương, đơn vị...
Có thể nói, quyết tâm của tỉnh đã rõ, vấn đề còn lại là trách nhiệm thực hiện mà thôi!.
H.H