Các hoạt động thực hiện nhằm thúc đẩy Quyết định số 196/QĐ-UBND diễn ra khá phong phú, thiết thực thông qua các hoạt động tuyên truyền, hội thi, hội diễn, hội thao, ẩm thực và biểu dương khen thưởng những gia đình tiêu biểu, mô hình câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ. Các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên hướng dẫn tăng cường tuyên truyền, giáo dục đến từng hộ gia đình về pháp luật, chính sách có liên quan đến tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống BLGĐ, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong việc giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Tuy nhiên, công tác gia đình hiện nay còn những hạn chế và đối mặt với nhiều thách thức, một bộ phận gia đình đang chịu tác động làm thay đổi cấu trúc gia đình; Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới… đang có biểu hiện xuống cấp. Theo số liệu thống kê của Sở VH,TT&DL, trong 10 tháng năm 2015, toàn tỉnh có 249 trường hợp BLGĐ, trong đó 23 vụ xảy ra ở thành thị, 226 vụ ở nông thôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, nhưng nguyên nhân cơ bản là do bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử giữa chồng và vợ trong gia đình; nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; kinh nghiệm ứng xử của các thành viên trong gia đình kém; kinh tế gia đình khó khăn; coi nhẹ chuẩn mực đạo đức, lối sống; sự im lặng chịu đựng của bản thân người phụ nữ; chính quyền cơ sở chưa quan tâm giải quyết triệt để.
Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm nay, với chủ đề: “Vì mái ấm gia đình không có bạo lực”. Qua đó, tổ chức các hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc phòng, chống BLGĐ, hướng đến mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Để tổ chức có hiệu quả, các ngành, địa phương cần triển khai thực hiện Kế hoạch số 2455/KH-UBND ngày 28-5-2014 của UBND tỉnh về Chương trình hành động về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020; Công văn số 4282/BVHTTDL-GĐ ngày 20-10-2015 của Bộ VH,TT&DL về việc thực hiện truyền thông trọng điểm về phòng, chống BLGĐ trong tháng 11-2015.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các thông điệp về phòng, chống BLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổ động trực quan như: Panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu ở các trục đường, trước trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư. Tổ chức nói chuyện chuyên đề, toạ đàm, hội thi, hội diễn và biểu dương những cá nhân, tập thể và các mô hình phòng, chống BLGĐ tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả. Triển khai các thông điệp truyền thông về Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư các tại thôn, khu phố. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Người cao tuổi, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các thông điệp truyền thông về Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp mạnh, lên án và nghiêm trị những hành vi BLGĐ. Cộng đồng cần quan tâm chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị chồng, cha đánh đập hành hạ. Phối hợp triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống BLGĐ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Bùi Văn Lộc
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch