Tôi cười nói với cháu: Thú thực bác chẳng biết A, B, C, D là gì, con giúp bác vậy. Bé cười rạng rỡ: Dễ ợt mà bác không biết, A là xuất sắc, B là... còn D là chờ nghỉ việc, rồi cháu giải thích: Mẹ đố ba con đấy! Lũ trẻ giờ thông minh thiệt, nghe người lớn nói chuyện chúng cũng biết việc xếp loại công chức, viên chức để “tinh giản biên chế”.
Nghe cháu gái nói, tôi nhớ có lần hỏi anh bạn: Sao ông vất vả thế, làm sếp là nghĩ việc chỉ cho cấp dưới làm, coi chừng ông ôm việc nguy cơ “tăng áp” (huyết áp tăng cao đột ngột) vợ con hết nhờ. Anh chia sẻ: Cứ tưởng làm cấp trưởng mỗi việc chỉ đạo, điều hành nhưng gặp đúng lúc cấp trên yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác rồi xây dựng kế hoạch, lộ trình tinh giản những người không đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn. Chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng khổ nỗi thói quen làm việc kiểu “tám giờ vàng ngọc” của cán bộ, nhân viên cơ quan đã thành nếp để thay đổi không hề dễ. Đã vậy, ông thấy đấy, tình hình chung số người giỏi việc thì ít, người thạo việc chẳng nhiều, còn số “chỉ đâu đánh đó” cũng không xong chiếm khoảng 40%. Cơ quan mình cũng vậy, đã ban hành quy chế, tiêu chí đánh giá xếp loại cán bộ, nhân viên theo tuần, tháng, quý và năm công tác. Theo đó, nếu ai công việc được giao đến thời hạn mà tiến độ, chất lượng không bảo đảm sẽ chuyển cho người khác đảm nhận. Nếu đó là công việc của tuần thì tuần đó không hoàn thành nhiệm vụ, của tháng thì tháng đó không hoàn thành nhiệm vụ... và đương nhiên sẽ được xếp vào diện 10% tinh giản biên chế của cơ quan. Nghe anh trình bày tôi như tóm được “vàng” bởi cũng phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Tôi đề nghị: Này, ông "mail" cho tôi cái quy chế đánh giá xếp loại cán bộ, công nhân viên cơ quan ông nhé, mình khao một chầu. Anh giãi bày: Đâu đơn giản như ông nghĩ, tôi mới áp dụng hơn hai tháng nhận thấy tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác của từng tập thể, cá nhân được nâng lên nhưng số người hạn chế năng lực chiếm gần nửa, sức ì quá lớn đâu chuyển biến nhanh được, nếu cứ xếp loại D (không hoàn thành nhiệm vụ-tinh giản) thì hậu quả sẽ ra sao!? Họ cũng phải lo cuộc sống bản thân, con cái ăn ở, học hành... chưa kể trong số đó là có con cháu gia đình có công với đất nước, con cháu vị này, vị nọ. Thế nên, cơ quan đưa ra khẩu hiệu “Mọi người vì một người - Một người vì mọi người” với phương châm “vượt lên chính mình” để phấn đấu không cá nhân nào xếp loại năm công tác phải nhận loại D. Và ông thấy đấy, mình là thủ trưởng nhưng để giúp anh em nâng tầm thì việc của trưởng phòng, việc chuyên viên nhiều lúc mình phải trực tiếp chỉ bảo hướng dẫn, áp lực công việc đối với anh em một thì mình áp lực hai, vì thế có stress nhưng không đến nỗi “tăng áp” bởi anh em tiến bộ từng ngày. Chuyện tinh giản biên chế của cơ quan anh không biết sẽ ra sao nhưng có lẽ việc xếp loại cá nhân A, B, C, D và đề án tinh giản biên chế bước đầu đã có tác động mạnh mẽ đến từng cán bộ, nhân viên trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Câu chuyện “tinh giản biên chế” bởi bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả không phải là mới. Hiện nay ngân sách nhà nước không gánh nổi tiền lương bộ máy hành chính, sự nghiệp cồng kềng đang là vấn đề nghị sự nóng lên hàng ngày tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 8 năm 2015. Có đại biểu Quốc hội cho rằng nghịch lý trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp hiện nay là: Định biên của mình không rõ nên những người có năng lực dư sức làm, vừa làm vừa chơi được nhưng chúng ta không có cơ chế gì khuyến khích người ta làm.
Người dư sức làm việc của 2 anh vụ phó, của cả 3 anh chuyên viên mà mình không có cơ chế gì để khuyến khích. Thậm chí người làm nhiều càng va chạm, khi bỏ phiếu, bình bầu lại mất phiếu. Kéo theo đó là nghịch lý người được việc lương cũng như người vô tích sự!?
Từ những câu chuyện trên và thực tiễn xây dựng đất nước thì việc tinh giản biên chế hiện nay trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp là yêu cầu khách quan để đưa đất nước hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới và ngày càng phát triển. Vấn đề lúc này là mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị có giải pháp thích hợp để việc tinh giản đúng thực chất nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời giải quyết tốt việc làm, đời sống đối với số cá nhân tinh giản đồng thời có cơ chế trọng dụng, đãi ngộ người hiền tài thoả đáng. Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có, vấn đề còn lại là các chính sách, giải pháp cụ thể hoá và quyết tâm chính trị của các ngành, các cấp cùng sự đồng thuận của xã hội.
Thanh Tâm