Nếu thời điểm tháng 6-2010, tổng dư nợ cho vay chỉ đạt trên 1.504 tỷ đồng, trong đó dư nợ đầu tư tín dụng cho nông nghiệp-nông thôn trên 980 tỷ đồng, với 26.430 lượt hộ được vay, chiếm tỷ trọng 65% tổng dư nợ, thì đến tháng 7-2015, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 3.126 tỷ đồng. Trong số này, có đến 82,3% là dư nợ đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn, với 37.739 lượt khách hàng, tăng 2,62 lần so với năm 2010. Đơn cử như, đối với chương trình cho vay sản xuất lương thực, phát triển cây công nghiệp, qua đầu tư vốn của đơn vị, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung đối với các cây trồng như: Nho, táo, mì... cung cấp thị trường trong nước và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đây cũng đang là lĩnh vực được tỉnh khuyến khích kêu gọi đầu tư. Đáng nói là từ năm 2010-2013, mặc dù chưa có các chương trình trọng điểm của Chính phủ, nhưng chi nhánh vẫn tập trung đầu tư phát triển cho vùng thâm canh cây lương thực trên cơ sở bám sát tình hình phát triển và định hướng quy hoạch của từng địa phương, tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất giống để cung ứng cho nông dân như Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố, Viện Nghiên cứu cây bông, giống Đông Nam. Năm 2014, khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 14/NQ-CP về các chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, chi nhánh đã đẩy mạnh đầu tư tín dụng theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cấp tín dụng theo các chương trình thuộc quỹ hỗ trợ Tam nông... Theo đó, đơn vị đã đầu tư cho trên 770ha cây nho, với dư nợ 39,5 tỷ đồng, chiếm 51% diện tích trồng nho; đầu tư 975ha cây táo, dư nợ 34,6 tỷ đồng, chiếm 78% diện tích trồng táo. Đầu tư 22.981 ha cây lúa, dư nợ 95 tỷ đồng, chiếm 75% diện tích trồng lúa của tỉnh...
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.Ảnh: VM
Hay như đối với chương trình cho vay phát triển chăn nuôi, căn cứ vào định hướng phát triển của tỉnh theo hướng đồng bộ, bền vững gắn với thị trường. Trọng tâm là phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò, phát triển đàn dê, cừu theo hướng chăn nuôi quy mô lớn, gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ, thị trường tiêu thụ, chế biến, dịch vụ thú y. Qua 5 năm thực hiện đã cho vay doanh số đạt 468 tỷ đồng, với 11.245 lượt khách hàng. Chỉ tính đến đầu tháng 8-2015, tổng dư nợ trên 546 tỷ đồng, tăng 372 tỷ đồng so với năm 2011. Từ nguồn vốn nêu trên đã góp phần phát triển đàn dê trên 30.000 con, dư nợ 27 tỷ đồng; phát triển đàn bò được 45.000 con, dư nợ 357 tỷ đồng,...
Với mục tiêu tập trung đầu tư ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từ năm 2011 đến đầu năm 2015, doanh số cho vay ngành thủy sản đạt 672,6 tỷ đồng. Đồng thời đẩy mạnh cho vay nuôi trồng và dịch vụ kinh tế biển, đến nay số dư đạt trên 116,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,54% tổng dư nợ. Ngoài ra, từ năm 2012 đến 2014, đơn vị còn đầu tư cho doanh nghiệp xây dựng 2 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh với công suất 11.000 tấn/năm. Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết đầu ra cho nguyên liệu tôm nuôi của nông dân, tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho trên 3.000 lao động ở khu vực nông thôn. Mặt khác, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư phát triển thủy sản, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước, các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện kịp thời. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, đã phê duyệt cho vay 8 con tàu tại huyện Ninh Hải và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, với tổng mức đầu tư là 71,2 tỷ đồng...
Có thể nói, đầu tư cho “tam nông” là lĩnh vực khá rộng, đối tượng đầu tư chịu nhiều tác động của thời tiết, thiên tai, rủi ro… bất khả kháng. Mặt khác, thị trường nông sản hàng hóa bấp bênh, tình trạng “được mùa mất giá” xảy ra thường xuyên ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản nên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, dẫn đến thu hồi vốn chậm. Việc cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với khách hàng là các Hợp tác xã, chủ trang trại gặp khó khăn vì một phần do vốn tự có của HTX thiếu, hoặc quá thấp, năng lực quản lý yếu, thiếu các dự án, phương án khả thi... Đây cũng chính là cản ngại không nhỏ đối với hoạt động đầu tư của đơn vị. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, trách nhiệm, Agribank Ninh Thuận tiếp tục xác định vai trò “đầu tàu”, chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn theo đúng mục tiêu đã đề ra đạt từ 75-80% tổng dư nợ. Trước mắt, đơn vị cân đối bố trí đủ vốn cho vay khu vực nông thôn, chương trình đầu tư phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình cho vay trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...góp phần tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế của tỉnh nói chung.
Mai Dũng